LS Võ Đình Đức: Cần xử lý hình sự cá nhân biết và hưởng lợi từ hành vi phạm tội của Pháp nhân thương mại.

  • www.doanhtri.net
  • 25-09-2020
  • 520 lượt xem
(Pháp lý) – Từ thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự đối với tội phạm về sở hữu trí tuệ đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cần nghiên cứu liên quan đến pháp nhân thương mại có hành vi xâm phạm về sở hữu trí tuệ; khung hình phạt; đặc biệt cần luật hóa hình phạt đối với cá nhân thuộc pháp nhân thương mại có hành vi phạm tội.. .
 
Điều 33, Điều 76 và một số điều khác trong Bộ luât hình sự 2015 có quy định về pháp nhân thương mại phạm tội. Riêng Điều 226 có quy định khá chi tiết về các chế tài, hình phạt đối với pháp nhân thương mại khi bị khởi tố về hành vi xâm phạm về sở hữu công nghiệp mà Bia sài gòn Việt Nam vừa bị khởi tố là một ví dụ điển hình. Điều 226 Bộ luật hình sự có quy định rõ ràng về hình phạt giành cho pháp nhân thương mại phạm tội, trong đó bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung mà pháp nhân thương mại có thể bị áp dụng trong vụ án này.
 
Hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại phạm tội được Bộ luật hình sự quy định bao gồm: Phạt tiền; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Trong khi đó hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại bao gồm: Phạt tiền khi không phải là hình phạt chính, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn.
 
Nhìn từ vụ Bia Saigon Vietnam có thể thấy đây là một vụ án có sự thiệt hại lớn về mặt thương hiệu, nhãn hiệu đối với Sabeco khi mà hành vi sản xuất hàng gây nhầm lẫn của Bia sài gòn Việt Nam.
 
Lực lượng kiểm tra kho hàng chứa các sản phẩm bia vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Ảnh: QLTT
 
Thực tế cho thấy, mức độ lợi nhuận, khoản thu lợi bất chính mà một số pháp nhân thương mại phạm tội thu về là rất lớn, lớn hơn rất nhiều lần so với hình phạt tiền mà Bộ luật hình sự Việt Nam quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
 
Trong khi đó, những hình phạt, chế tài pháp luật đặt ra đối với tội phạm này là rất nhẹ, không đủ sức răn đe. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ chỉ có thể bị phạt tiền tối đa đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị cấm hoạt động từ 6 tháng đến 2 năm.
 
Điều 226 Bộ luật hình sự 2015 quy định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội xâm phạm “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” cụ thể như sau:
 
Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 226 thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp khoản 2 điều 226 thì bị phạt từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm; Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồngđến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
 
Đáng quan ngại là pháp luật điều chỉnh pháp nhân thương mại phạm tội chỉ mới đặt ra chế tài, hình phạt đối với pháp nhân. Mà pháp nhân thực chất là một chủ thể vô tri, hình tượng, được điều hành, được xây dựng, được thành lập bởi các cá nhân, những con người cụ thể và chịu sự điều hành, điều chỉnh hoặc phụ thuộc vào ý chí, quyết định của những con người, cá nhân cụ thể trong pháp nhân thương mại. Những con người cụ thể này mới trực tiếp có hành vi vi phạm thì lại chưa biết xử lý họ thế nào?
 
Nghiên cứu qui định của pháp luật hiện nay thấy chưa đặt ra vấn đề đối với cá nhân là Giám Đốc, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; chưa đặt ra vấn đề trách nhiệm của các Cổ đông, thành viên góp vốn hay chủ sở hữu của pháp nhân đối với hành vi phạm tội của pháp nhân.
 
Chính vì khuyết thiếu này của pháp luật nên tình trạng pháp nhân phạm tội chắc sẽ còn diễn biến phức tạp, bởi hình phạt mà các pháp nhân có thể phải gánh chịu là rất nhẹ so với lợi nhuận mà các cá nhân thuộc pháp nhân này được hưởng. Do đó họ sẽ vẫn nhân danh pháp nhân để thực hiện hành vi phạm tội và xâm phạm trực tiếp đến lợi ích của các thương hiệu, các nhãn hiệu hoặc các chỉ dẫn địa lý hợp pháp đã được bảo hộ.
 
Đây chính là những lổ hổng, những điểm còn hạn chế của pháp luật trong việc xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại nói chung, pháp nhân thương mại vi phạm sở hữu trí tuệ nói riêng.
 
Trở lại vụ BIA SAIGON VIETNAM, theo cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cung cấp có thể thấy tại thời điểm kiểm tra cơ sở sản xuất bia BIVA đã phát hiện tại cơ sở có 4.712 thùng bia BIA SAIGON VIETNAM thành phẩm (01 thùng = 24 lon, 01 lon = 330ml), 116.700 vỏ lon bia (loại 330ml) và 3.300 vỏ thùng bia (thùng giấy carton) có dấu hiệu xâm phạm quyền đã được bảo hộ. Số lượng hàng hóa phát hiện này chỉ trong một khoảng thời gian nhất định và có thể Bia Sài gòn Việt Nam còn ký hợp đồng sản xuất với nhiều cơ sở sản xuất khác nữa thì số lượng hàng hóa gây nhầm lẫn về nguồn gốc sẽ rất lớn.
 
Vấn đề đặt ra là các cá nhân liên quan trong các pháp nhân sẵn sàng để pháp nhân chịu trách nhiệm khi bị xử lý và họ vẫn có thể được hưởng nguồn lợi rất lớn.
 
Thực tế trên cũng có thể là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến gia tăng PNTM phạm tội.
 
Từ những phân tích ở trên, chúng tôi cho rằng đối với các qui định về pháp nhân thương mại phạm tội được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 hiện nay mặc dù đã có nhiều tiến bộ và đột phá so với các quy định trước đây nhưng vẫn chưa giải quyết và làm giảm được các hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
 
Do đó, để đạt được hiệu quả quản lý và xử lý triệt để, hạn chế các hành vi vi phạm về Sở hữu trí tuệ, theo chúng tôi, cơ quan chức năng cần bổ sung những quy định liên quan đến trách nhiệm, chế tài đối với những cá nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại như: Giám đốc, người đại diện theo pháp luật (trong trường hợp không phải là giám đốc) các cổ đông, thành viên góp vốn của pháp nhân thương mại …, khi có căn cứ cho rằng các cá nhân này biết và hưởng lợi từ hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại.
 
Theo đó kiến nghị cần bổ sung một số quy định như:
 
– Cấm kinh doanh, cấm tham gia góp vốn, thành lập các tổ chức kinh doanh, pháp nhân mới trên thị trường nhằm tránh việc pháp nhân thương mại phạm tội và bị dừng hoạt động dẫn đến việc các cá nhân này tiếp tục góp vốn thành lập pháp nhân mới để tiếp tục thực hiện các hành vi phạm tội.
 
– Truy thu toàn bộ tiền, tài sản mà các cá nhân này được hưởng lợi xuất phát từ hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại.
 
– Xử lý hình sự đối với cá nhân trong trường hợp có đầy đủ căn cứ cho thấy các cá nhân này cố tình thực hiện hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân để trục lợi hoặc gây thiệt hại cho các chủ sở hữu hợp pháp các thương hiệu, nhãn hiệu bị xâm phạm.
 
Bên cạnh những giải pháp nói trên, chúng ta cần xây dựng và chuẩn bị những kiến thức cần thiết cho lực lượng thực thi pháp luật, người tiêu dùng trên thị trường, trách nhiệm của các cá nhân kinh doanh trong việc thâm nhập thị trường và kinh doanh một cách chính đáng. Bản thân các doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ nhân viên nắm vững về quyền thương hiệu và sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo một kế hoạch phát triển bền vững nhất.
 
Để đạt được hiệu quả quản lý và xử lý triệt để, hạn chế các hành vi vi phạm về Sở hữu trí tuệ, theo chúng tôi, cơ quan chức năng cần bổ sung quy định liên quan đến trách nhiệm, chế tài đối với những cá nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại như: Giám đốc, người đại diện theo pháp luật (trong trường hợp không phải là giám đốc) các cổ đông, thành viên góp vốn của pháp nhân thương mại …, khi có căn cứ cho rằng các cá nhân này biết và hưởng lợi từ hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại.
 
LS. Võ Đình Đức  https://phaply.net.vn/
 
 

Xem thêm Tin Pháp luật