Lần đầu tiên tại VN, người dùng chạm điện thoại để trả tiền

  • www.doanhtri.net
  • 02-12-2020
  • 539 lượt xem
Nhân viên Sacombank hỗ trợ khách hàng trải nghiệm công nghệ Tap to phone - Ảnh: M.T.
 
TTO - Lần đầu tiên tại Việt Nam, người dùng có thể chạm thẻ vào điện thoại để trả tiền mua hàng thông qua công nghệ Tap to phone - Chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động.
 
Công nghệ này ,vừa được Sacombank và Công ty công nghệ thanh toán điện tử Visa hợp tác triển khai, được kỳ vọng mang đến sự thuận tiện hơn trong việc thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó giúp giảm bớt tiền mặt trong các giao dịch hằng ngày.
 
Biến điện thoại thành máy POS
 
Ông Nguyễn Minh Tâm, phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), cho biết công nghệ Tap to phone - Chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động - cho phép đơn vị chấp nhận thẻ sử dụng điện thoại di động hoặc máy tính bảng như một thiết bị POS để thanh toán không tiếp xúc.
 
 
Cùng với giải pháp Rapid Seller Onboarding - Phê duyệt nhà bán hàng siêu tốc, doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể hoàn tất cài đặt, đăng ký trực tuyến để trở thành đơn vị chấp nhận thẻ nhanh chóng và dễ dàng để có thể sử dụng công nghệ này.
 
Tính năng chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động sử dụng công cụ phát triển phần mềm (SDK), được Sacombank tích hợp trên ứng dụng mMerchant - ứng dụng di động dành riêng cho các đơn vị chấp nhận thẻ nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai các hình thức thanh toán nhanh chóng và tiện lợi.
 
Hiện Tap to phone đã được áp dụng đối với các thiết bị di động hệ điều hành Android có hỗ trợ công nghệ kết nối không dây tầm ngắn NFC và trong tương lai sẽ được mở rộng thêm đối với hệ điều hành IOS.
 
Về phía doanh nghiệp, đại diện Sacombank cho biết giải pháp này đáp ứng yêu cầu hiệu quả về chi phí và khả năng nhận thanh toán không tiếp xúc cho các đơn vị chấp nhận thẻ và các doanh nghiệp cần nhiều điểm chấp nhận thanh toán di động như công ty bảo hiểm, vận chuyển hàng hóa thu tiền tại nhà, nhà hàng ăn uống thanh toán tại bàn, tiểu thương… mà không cần phải lắp đặt thêm các thiết bị phần cứng, đường truyền, đồng thời vẫn đảm bảo tính an toàn bảo mật.
 
Thao tác thanh toán cũng rất đơn giản, sau khi nhập số tiền, người mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng thẻ contactless (không tiếp xúc) mang thương hiệu Visa chạm vào thiết bị di động của bên bán là hoàn tất giao dịch. Chủ thẻ không cần ký tên vào hóa đơn dưới 1 triệu đồng. Đối với hóa đơn trên 1 triệu đồng, bên bán sẽ hướng dẫn chủ thẻ ký tên trên màn hình thiết bị di động và nhập email để nhận hóa đơn điện tử.
 
Ông Nguyễn Minh Tâm chia sẻ sự hợp tác lần này giữa Sacombank và Visa đã đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới áp dụng quy trình hoàn toàn tự động khép kín cho việc phê duyệt một nhà bán hàng đến chấp nhận thanh toán thẻ.
 
 
Thanh toán không tiếp xúc đang trở thành xu thế
 
Theo các khảo sát của Visa trong năm 2020, kết nối thông minh đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam với hơn 85% người tiêu dùng sở hữu ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán và hơn 40% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc.
 
Bà Đặng Tuyết Dung, giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho biết thanh toán không chạm đang trở thành xu thế. Bà Dung cũng dẫn ra số liệu thống kê của Visa cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, giao dịch không tiếp xúc của Visa đã tăng hơn 500% so với 6 tháng đầu năm 2019. Tổng giá trị giao dịch không tiếp xúc của Visa tăng hơn 600% trong cùng kỳ.
 
Theo đại diện Visa, hiện VN với 129,5 triệu thuê bao di động, hơn một nửa trong số đó sử dụng 3G và 4G chính là điều kiện thuận lợi để phát triển các giải pháp thanh toán kỹ thuật số cho người tiêu dùng. Vấn đề còn lại là làm sao cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thấy được lợi ích của phương thức thanh toán này.
 
Ông Nguyễn Minh Tâm cho biết Sacombank là đơn vị tiên phong trong việc mở ra xu hướng thanh toán này. Tuy nhiên một mình Sacombank không thể nào gánh vác được thị trường mà cần sự đồng hành, bắt tay nhau của các đối tác để hình thành nên hệ sinh thái, nhằm đẩy nhanh việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội.
 
Nhà bán lẻ mừng
 
Bà Nguyễn Thị Ánh Vân, giám đốc tài chính của Tiki, cho hay hiện nay tỉ lệ thanh toán không tiền mặt trên Tiki chiếm hơn 40%. Đây là tỉ lệ khá cao so với mặt bằng chung trong thương mại điện tử.
 
Từ năm 2019, Tiki đã triển khai giải pháp thanh toán không tiền mặt qua máy mPOS khi giao hàng, nhằm giúp khách hàng giải tỏa sự bất tiện của việc mang theo tiền mặt, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thói quen thanh toán không tiền mặt. Tuy nhiên điểm bất tiện của phương thức này là nhân viên phải cầm 2 thiết bị là mPOS và điện thoại, sau đó phải đồng bộ hai thiết bị này với nhau khi thực hiện giao dịch thanh toán.
 
Với hình thức thanh toán mới này, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hơn vì đây chỉ là phần mềm cài trên thiết bị nên bên giao nhận của Tiki chỉ cần có điện thoại thông minh có tích hợp phần mềm này là có thể chấp nhận thanh toán được. Từ đó mang đến sự tiện lợi và an toàn cho đội ngũ giao nhận của Tiki khi phục vụ khách hàng tại các tỉnh thành lớn trên toàn quốc.
 
Ông Trần Đình Quân, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam, cho rằng giải pháp chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động do Sacombank và Visa hợp tác triển khai sẽ hỗ trợ khách hàng trong việc thanh toán phí bảo hiểm một cách thuận tiện, nhanh chóng, kịp thời, giúp đơn giản hóa quy trình thanh toán và góp phần nâng cao trải nghiệm khách hàng.
 
Bà Nguyễn Thị Giang, phó tổng giám đốc công nghệ và giao dịch bảo hiểm của Prudential Việt Nam, cho biết giải pháp thanh toán thông qua chạm điện thoại sẽ giúp Prudential đẩy nhanh quá trình thanh toán các gói bảo hiểm và mang tới trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Về phía khách hàng cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi thanh toán.
 
Máy POS có trở thành quá khứ?
 
Với việc tích hợp phần mềm để biến điện thoại thành máy POS, vậy thì những máy POS đã được đầu tư trong thời gian qua liệu có còn được sử dụng?
 
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tâm, phó tổng giám đốc Sacombank, khẳng định việc ra đời công nghệ Tap to phone - Chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động - không có nghĩa là trong thời gian tới máy POS sẽ trở thành quá khứ mà máy POS vẫn có thị phần riêng trên thị trường.
 
Các cửa hàng có được giảm phí và chi phí đầu tư cũng giảm khi áp dụng phương thức thanh toán mới?
 
Đại diện Visa cho biết các ngân hàng và Visa sẽ cùng đồng hành và có các chính sách phù hợp, cộng hưởng làm sao cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng đón nhận giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
 
MINH THÀNH  https://tuoitre.vn/

Xem thêm Thời sự