Khảo sát thực tế để xây dựng dự án Luật biểu tình

  • www.doanhtri.net
  • 14-03-2019
  • 618 lượt xem

Chính phủ cho biết việc xây dựng Luật Biểu tình sẽ được thực hiện theo hướng bảo đảm thực thi quyền con người.

Tại tờ trình gửi Quốc hội mới đây, Chính phủ thông tin tình hình chuẩn bị một số dự án luật đã xin rút ra khỏi chương trình các năm 2016, 2017 và 2018.

Theo đó, với Luật về Hội, thực hiện công văn từ năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật này; đồng thời xây dựng dự thảo báo cáo đánh giá tác động đối với nội dung mới có liên quan.

Tháng 5/2018, Ban cán sự Đảng Chính phủ có công văn gửi Đảng đoàn Quốc hội để thống nhất một số nội dung về dự án Luật và sau đó đã có tờ trình xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.  

Về Luật biểu tình, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự án Luật này.

"Việc xây dựng Luật Biểu tình sẽ được thực hiện theo hướng bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước", tờ trình của Chính phủ nêu.

Khảo sát thực tế để xây dựng dự án Luật biểu tình

Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho biết dư luận rất quan tâm đến dự án Luật biểu tình tại kỳ họp Quốc hội tháng 7/2016. Ảnh: Giang Huy.

Với Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án theo hướng xây dựng một luật chung.

Thực hiện ý kiến Thủ tướng và theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo cấp có thẩm quyền để chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. 

Trước đó, dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật đặc khu) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017) và tiếp tục xem xét tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2018).

Các đơn vị dự kiến xây dựng đặc khu gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang).

Sáng 11/6/2018, hơn 85% đại biểu đã bấm nút đồng ý lùi thời gian thông qua Luật đặc khu theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để "có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng". Tại kỳ họp cuối năm 2018, Quốc hội cũng chưa xem xét dự án Luật này.

Trong quá trình xây dựng Luật về Hội, tháng 10/2016, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay mục tiêu quan trọng của đạo luật này là Nhà nước đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân lập hội theo quy định của Hiến pháp. Đa phần ý kiến đồng tình cần có Luật để tạo môi trường hoạt động tốt hơn, đảm bảo quyền tự do của người dân. Tuy nhiên qua thảo luận, trong dự thảo Luật có 33 điều thì các đại biểu đã có ý kiến về 32 điều. "Trước nhiều ý kiến khác nhau, Ban soạn thảo xin thêm thời gian nghiên cứu, hoàn chỉnh, trình dự thảo trong kỳ họp sau", ông Tân nói.

Đến tháng 5/2017, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Tư pháp chuẩn bị báo cáo của Chính phủ giải trình rõ việc chưa trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật về Hội.

 

Về Luật biểu tình, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 4/2017, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự án Luật này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo nằm trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2015 và năm 2016, hiện đã đến giai đoạn chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định. Tuy nhiên, nội dung luật chưa đạt yêu cầu nên rút lại.

Hoàng Thùy   vnexpress.net

 

Xem thêm Thời sự