Học sinh lao động công ích, đi thực địa trong hoạt động trải nghiệm

  • www.doanhtri.net
  • 29-12-2018
  • 903 lượt xem

Hoạt động giáo dục mới xuất hiện lần đầu trong chương trình giáo dục phổ thông có bốn nội dung lớn và được sắp xếp 3 tiết mỗi tuần.

Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp THCS và THPT) là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12 trong chương trình giáo dục phổ thông mới (công bố ngày 27/12).

Nội dung của hoạt động giáo dục này được chia thành hai giai đoạn. Ở giáo dục cơ bản, học sinh tiểu học được tham gia các hoạt động khám phá, rèn luyện bản thân, phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp với lứa tuổi.

Ở cấp THCS, nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tập trung hơn vào các hoạt động xã hội, hoạt động hướng đến tự nhiên và hướng nghiệp; đồng thời hoạt động hướng vào bản thân vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, hoạt động giáo dục hướng nghiệp được tập trung nhiều, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường liên quan đến nghề nghiệp, làm cơ sở để tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp và rèn luyện để thích ứng với nghề nghiệp tương lai.

Hoạt động trải nghiệm sẽ gồm bốn nội dung chính là hướng vào bản thân, hướng đến xã hội, hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp. Ở mỗi nội dung, các hoạt động nhỏ hơn được đưa vào. Ví dụ với hoạt động hướng nghiệp, học sinh sẽ được tìm hiểu nghề nghiệp; tham gia rèn luyện phẩm chất, năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp; lựa chọn hướng nghề nghiệp và lập kế hoạch học tập theo định hướng đó.

Hoạt động trải nghiệm sử dụng bốn phương thức chính là khám phá; thể nghiệm, tương tác; cống hiến; nghiên cứu. Tùy vào mỗi phương thức, học sinh sẽ được tham gia các hoạt động như tham quan, cắm trại, thực địa, đóng kịch, các hội thi, trò chơi, tình nguyện nhân đạo, lao động công ích hay làm dự án nghiên cứu, sáng tạo công nghệ...

Các hoạt động được tổ chức trong và ngoài lớp, trường học, theo quy mô nhóm, lớp học, khối học hoặc toàn trường với bốn loại hình sinh hoạt chủ yếu là sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và câu lạc bộ.

Thời lượng dành cho Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là 3 tiết/tuần. Với cấp tiểu học, nội dung tập trung vào hoạt động hướng vào bản thân (chiếm 60% thời lượng). Đây cũng là hoạt động chính ở cấp THCS nhưng tỷ lệ giảm xuống 40%. Với cấp THPT, hoạt động hướng nghiệp được đẩy lên cao nhằm định hướng rõ ràng nhất cho học sinh về nghề nghiệp tương lai.

>>Xem toàn văn chương trình

Tối 27/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới với chương trình tổng thể và chi tiết 27 môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình được chia thành hai giai đoạn: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến 12).

Bộ Giáo dục sẽ thực hiện chương trình mới theo từng lớp. Năm học 2020-2021 áp dụng với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, 8 và 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, 9 và 12.

Dương Tâm    vnexpress.net

 

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe