Học hỏi kinh nghiệm quốc tế về quản trị, huy động vốn phát triển cơ sở hạ tầng

  • www.doanhtri.net
  • 17-01-2019
  • 572 lượt xem
(Chinhphu.vn) - Ngày 16/1, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 diễn ra tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức Hội thảo “Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”.
Các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm về vốn cho hạ tầng tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng.
Cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội ở mọi quốc gia và thậm chí rất quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh ở các nước đang phát triển. Trong những năm qua, Việt Nam và các nước trong khu vực luôn ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, từ đó là tạo ra sự cải thiện đáng kể về số lượng, chất lượng cơ sở hạ tầng gắn với cải cách thể chế quản lý, huy động vốn, tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng ngày càng chuẩn mực và có hiệu quả hơn. 

Tuy nhiên, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đều có những hạn chế nhất định trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là về quản lý, huy động vốn, khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân; chất lượng, hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công chưa cao.

Diễn ra trong 2 ngày 16-17/11, hội thảo sẽ tập trung vào các vấn đề cụ thể như tổng quan những xu hướng đầu tư công và hợp tác công-tư (PPP) gần đây tại châu Á, bao gồm giới thiệu khung quản trị hạ tầng toàn diện, bao trùm toàn bộ chu trình đầu tư công (theo phương pháp luận đánh giá quản lý đầu tư công - PIMA), đồng thời chỉ ra những thách thức chung về quản trị hạ tầng tại châu Á, dựa trên kết quả đánh giá PIMA ban đầu tại khu vực. Những nỗ lực gần đây của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, cũng như những cải cách hiện hành về quản trị hạ tầng. Những cơ hội và thách thức liên quan đến các nguồn vốn truyền thống, cũng như các phương thức huy động vốn hiện đại, hướng nhiều hơn đến khu vực tư nhân, bao gồm từ huy động vốn trái phiếu và từ quỹ hạ tầng đến huy động vốn qua hợp tác công-tư.

Việt Nam đã từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng. Ảnh: VGP/Huy Thắng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, thời gian qua kết cấu hạ tầng của Việt Nam đã được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện theo hướng đồng bộ hiện đại và cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đối với các lĩnh vực hạ tầng trọng tâm.

Hạ tầng giao thông vận tải quy mô lớn đã được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo kết nối giữa các vùng miền trong cả nước như việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ; đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng 1050 km đường cao tốc; các công trình cảng hàng không quan trọng như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Quốc, Pleiku…

Hạ tầng năng lượng đã được đầu tư, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Nhiều công trình lớn đã hoàn thành và đang được xây dựng như Thủy điện Sơn La, Lai Châu; Nhiệt điện Duyên Hải, Mông Dương 1, Vũng Áng I… 

Hạ tầng thủy lợi được tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp theo hướng đa mục tiêu nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn ở miền Trung, Tây Nguyên, Trung du miền núi phía bắc, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long… 

Hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư, nhất là ở các thành phố lớn. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như các trục giao thông hướng tâm, các đường vành đai, các nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, tuyến tránh đô thị, đặc biệt ưu tiên là các vành đai, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM…

Phát triển hạ tầng, đâu là thách thức?

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, mặc dù Chính phủ, các cấp, các ngành đã nỗ lực trong thời gian qua, song có thể chỉ ra một số thách thức lớn đối với phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam trong thời gian tới. 

Trước hết là quy mô nền kinh tế không lớn, khả năng tích lũy hạn chế dẫn đến việc duy trì mức đầu tư cao từ ngân sách nhà nước sẽ tạo áp lực lớn cho việc bảo đảm cân đối vĩ mô, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn nền kinh tế. 

Hai là, áp lực của trần nợ công tăng cao, đồng thời Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, điều này đồng nghĩa với việc nguồn vốn vay nước ngoài dành cho phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng giảm và sẽ phải vay vốn ưu đãi với mức lãi cao hơn. 

Thứ ba là việc duy trì và cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là một thách thức lớn đối với toàn nền kinh tế. 

Thứ tư là các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân cho hệ thống cơ sở hạ tầng thông qua mô hình đầu tư PPP vẫn còn hạn chế do các nguyên nhân như: Nhà nước chưa có đủ nguồn lực tài chính tham gia; năng lực thực hiện còn yếu; cơ chế chính sách chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh và còn thiếu các cơ chế bảo đảm, bảo lãnh và chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư (rủi ro về doanh thu, rủi ro về chuyển đổi ngoại tệ…); đi cùng là việc thực thi chưa đảm bảo yêu cầu về tính chuyên nghiệp và minh bạch của thị trường. 

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, vẫn có những điểm nghẽn làm ảnh hưởng tới quá trình thực hiện đầu tư theo mục tiêu của Chiến lược như: Thị trường vốn tại Việt Nam chưa phát triển, trong khi các ngân hàng thương mại còn hạn chế về khả năng cấp tín dụng cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; công tác quản lý nhà nước về đầu tư còn hạn chế, bao gồm cả việc quản lý vốn đầu tư, kiểm tra, giám sát và sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành, các địa phương. 

Vì vậy, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được các mục tiêu về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trong thời gian tới, trong đó có những dự án lớn về giao thông vận tải như đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, tiếp tục hoàn thành các công trình điện, hạ tầng đô thị lớn, thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu và các hạ tầng khác...thì việc đề xuất các giải pháp toàn diện, trong đó có đề xuất về cơ chế, chính sách để quản trị, huy động vốn đầu tư là vấn đề cấp thiết đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Tại Hội thảo, các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ các cơ quan quản lý của các nước trong khu vực và các chuyên gia của các tổ chức quốc tế chia sẻ những thông lệ, chuẩn mực quốc tế và bài học kinh nghiệm tốt của quốc gia về cải cách và phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là quản trị và huy động vốn. Các chuyên gia nhận định, hầu hết các quốc gia châu Á đều đã và đang đẩy mạnh thực hiện PPP trong 15 năm qua. 

Tuy nhiên, khi dư địa tài khóa hạn hẹp, cơ chế này mở ra cơ hội phát triển hạ tầng nhưng cũng tạo ra những rủi ro mới. Các chuyên gia cũng chỉ ra những cơ hội và rủi ro liên quan đến PPP, chỉ ra một số thông lệ tốt nhất về thể chế và pháp lý nhằm quản lý hiệu quả các cơ chế đó; cũng như những thông lệ tốt nhằm đảm bảo thẩm định và lựa chọn minh bạch các dự án PPP, dựa trên các điển hình quốc tế và khu vực; những thách thức liên quan đến khâu triển khai trong chu trình phát triển hạ tầng, bao gồm cả trường hợp PPP…

Được biết hiện nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế, các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, AFD, JBIC, JICA, các tổ chức của Hàn Quốc, Nhật Bản, các cơ quan nghiên cứu như KDI-PIMAC, các tư vấn, chuyên gia quốc tế... đã và đang phối hợp Chính phủ Việt Nam trong việc nghiên cứu, đánh giá cũng như hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo hình thức PPP.

Anh Minh

Xem thêm Thời sự