Hiểu thế nào về xây dựng văn hóa trong Đảng?

  • www.doanhtri.net
  • 30-11-2021
  • 386 lượt xem
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc. 
 
VOV.VN - Xây dựng văn hóa trong Đảng thì người đảng viên cũng phải có tri thức, nhận thức phù hợp với đòi hỏi hiện nay.
 
Một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đó là: Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hoá, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
 
Cả lý luận và thực tiễn đã chứng minh, nền tảng và giá trị cốt lõi của văn hóa là đạo đức và để lan tỏa những giá trị tốt đẹp về đạo đức trong xã hội thì trước hết phải xây dựng và thực hành văn hóa trong Đảng về đạo đức. 
 
Văn hóa Đảng gắn liền với quá trình hình thành, phát triển, với truyền thống, lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và của dân tộc. Sự ra đời của Đảng chính là một sản phẩm của văn hóa, là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đỉnh cao của văn hóa nhân loại với tinh hoa của văn hóa dân tộc.
 
Ngay từ khi mới thành lập, Đảng luôn chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt, nhất là về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đó cũng chính là xây dựng văn hóa trong Đảng. Bởi, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và bản lĩnh cầm quyền của Đảng vừa là kết quả được tạo ra từ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; vừa là thước đo đánh giá trình độ trưởng thành, lớn mạnh của đảng cầm quyền.
 
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Ảnh: Tuổi Trẻ)
 
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng văn hóa Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện xuyên suốt, nhất quán trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Trong đó, Bản Di chúc là sự kết tinh, hội tụ cô đọng và hàm súc nhất, đặc biệt là về xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, văn hóa trọng dân, gần dân.
 
“Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò, tầm quan trọng của văn hóa. Văn hóa chính là lòng yêu nước, trách nhiệm, ý thức dân tộc để mỗi con người phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phải có ý thức làm chủ. Đối với đảng viên, mỗi người phải là một đảng viên văn hóa. Văn hóa trong Đảng thì người đảng viên cũng phải có tri thức, nhận thức phù hợp với đòi hỏi hiện nay. Đòi hỏi đảng viên có văn hóa trong bối cảnh hiện nay là những đòi hỏi rất cao” - ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết.
 
Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn chú trọng và thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng Đảng về đạo đức mà trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên có tinh thần tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
 
Tại Đại hội XIII, một lần nữa Đảng khẳng định lấy giá trị văn hóa con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững, lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.
 
Đảng cũng đề ra chủ trương xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức với nhiều nhiệm vụ giải pháp, trong đó nhấn mạnh đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng.
 
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng, không chỉ là một chính đảng chỉ xoay quanh chính trị, tư tưởng, mà vấn đề đạo đức là hết sức quan trọng. Đạo đức với ai? - Với chính Đảng của mình, đạo đức với nhân dân của mình và đạo đức xã hội với ngọn cờ lý tưởng mà Đảng đang theo đuổi, bảo vệ. Do vậy, riêng vấn đề xuyên suốt đạo đức cũng mang lại sự phát triển mới.
 
Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM
 
Để xây dựng và phát huy văn hóa trong Đảng, bên cạnh việc nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của văn hóa trong xây dựng Đảng, thì một trong những trọng tâm được coi trọng là văn hóa nêu gương. Mỗi cán bộ, đảng viên nêu gương là trách nhiệm của bổn phận và đạo lý, tự giác thực hành bằng những hành động, việc làm dù nhỏ trong công tác và đời sống hàng ngày, trong ứng xử với chính mình, với tập thể cơ quan, đơn vị. Mỗi cán bộ, đảng viên tự nêu gương sáng, hàng triệu đảng viên là những tấm gương sáng, toàn Đảng sẽ trong sạch, vững mạnh.
 
Khi mỗi đảng viên, từng tổ chức Đảng nêu gương thì môi trường văn hóa trong Đảng sẽ trong sạch, vững mạnh. Chính vì thế, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng văn hóa trong Đảng góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
 
Xây dựng văn hóa Đảng giúp hình thành hệ giá trị căn bản, là sự hiện diện cụ thể của chân, thiện, mỹ của giai cấp tiền phong và từ trung tâm này, lan tỏa và truyền cảm hứng tới các tầng lớp khác trong xã hội. Chăm lo xây dựng Đảng về đạo đức, gắn quyết tâm này mới đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn đảng, để Đảng thật sự là đạo đức, là văn minh./.
 
Lại Hoa/VOV.VN
 

Xem thêm Thời sự