Hàng nghìn người TP HCM mắc di chứng hậu Covid

  • www.doanhtri.net
  • 15-01-2022
  • 408 lượt xem
Những F0 phải thở máy, thở oxy, nằm phòng hồi sức tích cực (ICU) có nguy cơ cao mắc các di chứng sau khi khỏi bệnh. Trong ảnh, nhân viên y tế đang chăm sóc một bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình, ngày 31/12/2021. Ảnh:Thư Anh
 
Khoảng 4.000 bệnh nhân đến Phòng khám hậu Covid tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM trong hơn một tháng qua, do những di chứng mệt mỏi, khó thở, mất ngủ, rụng tóc...
 
Đặc biệt, trong số họ, đến 50% có kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh phát hiện bất thường về tim mạch, phổi như viêm phổi, xơ phổi, suy hô hấp cấp và mạn tính, đông máu gây thuyên tắc mạch máu phổi, tĩnh mạch, đột quỵ... Đây là những biến chứng nặng nề, nguy hiểm cần phải can thiệp ngay cũng như điều trị lâu dài..
 
Khoảng 80% bệnh nhân mắc di chứng với các triệu chứng dai dẳng đặc trưng, kéo dài một vài tuần đến 3-4 tháng. Nhiều nhất là mệt, khó thở, rụng tóc, hồi hộp tim đập nhanh... Nhiều người bị thêm tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm, bồn chồn, kèm mất ngủ và mau quên, không tập trung - những di chứng về tâm thần kinh.
 
Phòng khám hậu Covid được Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM thành lập hôm 6/12/2021. Bác sĩ Nguyễn Như Vinh (Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM) cho biết so với hai tuần đầu khai trương, số bệnh nhân đến Phòng khám hậu Covid hiện tại đã tăng gấp đôi, từ 70-80 ca nay lên 150 trường hợp mỗi ngày và dự báo còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
 
Theo bác sĩ Vinh, đa phần bệnh nhân phục hồi sức khỏe sau khi điều trị các triệu chứng hậu Covid-19. Một số thống kê cho thấy bệnh nhân không điều trị vẫn có cải thiện, song cần nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân bị biến chứng nặng, không được điều trị kịp thời có thể trở thành di chứng vĩnh viễn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Ông dẫn một nghiên cứu ở Mỹ, 14% bệnh nhân Covid-19 nặng sau khi khỏi và xuất viện sẽ phải nhập viện lại để điều trị di chứng, trong đó nhiều người tử vong ở lần nhập viện thứ hai.
 
Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu hay khảo sát nào về tình trạng di chứng Covid kéo dài cũng như số liệu người bị di chứng trong cộng đồng. Những con số hiện nay chỉ mới dựa vào ghi nhận tại thực tế khám chữa ở một số bệnh viện. Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Anh Dũng hai ngày trước trong một cuộc họp nói rằng đến nay hơn nửa triệu người dân thành phố mắc Covid-19, trong đó hơn 300.000 người xuất viện. Những người từng nằm viện hầu hết là bệnh nhân từ mức độ trung bình đến nặng, nguy kịch, đặt ra nhiều nhu cầu chăm sóc sức khỏe hậu Covid.
 
Trên thực tế điều trị, các bác sĩ ghi nhận nhiều ca di chứng rất nặng. Điển hình, một nam bệnh nhân 50 tuổi đến phòng khám bệnh viện Y Dược sau khi khỏi Covid-19 đã vài tháng. Sức khỏe ông vốn không tốt vì di chứng sốt bại liệt lúc nhỏ, đi lại khó khăn, khi mắc Covid-19 nặng phải thở máy. Khỏi bệnh về nhà, ông vẫn phải dùng máy thở oxy liên tục, phim chụp X-quang thấy xẹp hai phổi lan tỏa, xơ phổi nhiều. Người này phải điều trị tích cực hơn một tháng, bằng thuốc kết hợp các bài tập thở, đến nay bệnh nhân mới có thể nói chuyện bình thường, cai được máy thở oxy.
 
"Di chứng hậu Covid-19 thực sự là mối lo lớn. Nếu bệnh nhân đến viện muộn, phổi không hồi phục thì nguy cơ phải phụ thuộc vào máy tạo oxy suốt đời", bác sĩ Vinh nói.
 
Những F0 phải thở máy, thở oxy, nằm phòng hồi sức tích cực (ICU) có nguy cơ cao mắc các di chứng sau khi khỏi bệnh. Trong ảnh, nhân viên y tế đang chăm sóc một bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình, ngày 31/12/2021. Ảnh:Thư Anh
 
Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong 40 ngày đã tiếp nhận 1.021 bệnh nhân đến khám do các vấn đề sức khỏe hậu Covid-19.
 
Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM đến nay cũng đã tiếp nhận 1.050 ca khám hậu Covid-19. Bác sĩ Phan Minh Hoàng (giám đốc bệnh viện) cho biết trong số này, tới 341 trường hợp phải nhập viện điều trị (chiếm 32%), và 59% bệnh nhân có bệnh lý nền kèm các di chứng Covid-19. Ngoài ra, ở nhóm F0 30-50 tuổi, không có bệnh lý nền, vẫn ghi nhận các triệu chứng như rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, stress... hậu nhiễm.
 
"Do đó, bệnh nhân Covid sau quá trình điều trị có kết quả xét nghiệm âm tính cũng không đồng nghĩa với việc hoàn toàn khỏi các triệu chứng", bác sĩ Hoàng nói.
 
Di chứng cần điều trị sớm
 
Các bác sĩ khuyến cáo tất cả người bệnh Covid-19 cần tái khám sớm sau khi xuất viện để được xét nghiệm, đánh giá tổng quát thể trạng, từ đó phát hiện và điều trị kịp thời các di chứng, sớm trở lại cuộc sống bình thường. Nhất là những F0 từng phải thở máy, thở oxy, nằm phòng hồi sức tích cực (ICU)... một tháng sau khi xuất viện phải đi tái khám. Những người bệnh nhẹ trong giai đoạn dương tính, sau khi khỏi bệnh một tháng vẫn có các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, nhức đầu, mất khứu giác, vị giác, rụng tóc, tiêu chảy... hay cơ thể có dấu hiệu khác thường thì nên đi khám để phát hiện sớm. Nếu sau 3 tháng vẫn còn triệu chứng, người này bắt buộc tái khám.
 
Di chứng hậu Covid-19 được xác định là một trong những vấn đề trọng tâm của y tế TP HCM trong 2022, khi mà hơn nửa triệu người dân mắc Covid-19, chiếm khoảng 5% dân số. Để chăm sóc toàn diện sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội cho người bệnh, Sở Y tế sẽ triển khai hai chiến lược, gồm tiếp cận và can thiệp sớm. Mô hình quản lý, chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 của thành phố cũng thực hiện theo tháp 3 tầng. Trong đó, tầng một là cấp y tế cơ sở (tiếp nhận bệnh nhân nhẹ), tầng hai là bệnh viện tuyến quận, huyện (chăm sóc người bệnh mức độ trung bình), tầng ba là bệnh viện chuyên khoa sâu và đa khoa tuyến cuối (tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch). Hai tầng đầu tập trung mục tiêu chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời từ sớm, hạn chế nguy cơ chuyển nặng.
 
Hiện nhiều bệnh viện, cả bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện của thành phố, đã thành lập các khoa điều trị hậu Covid-19 như Nhi đồng 1, Bệnh Nhiệt đới, Lê Văn Thịnh, Viện Y dược học dân tộc, Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp, Chợ Rẫy, Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM... Mới đây trường Đại học Y dược TP HCM xây dựng cẩm nang phục hồi sau Covid-19 với 11 chuyên đề, do 20 chuyên gia đầu ngành biên soạn.
 
Mỗi bệnh viện cũng triển khai các hoạt động riêng. Như Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM, thay vì "bị động", chờ người dân đến viện khám di chứng, thì chủ động liên hệ với trạm y tế, nắm thông tin người bệnh đã xuất viện có nguy cơ cao bị di chứng để thăm khám, chăm sóc sức khỏe từ xa. Bệnh viện đang phát triển một phần mềm ứng dụng mới, nhằm tiếp cận F0 khỏi bệnh sớm, đánh giá về tâm lý, giấc ngủ, phát hiện bất thường. Bệnh nhân có thể được cấp mã code để tự tập luyện các bài tập phục hồi tại nhà hậu Covid-19 theo hướng dẫn từ xa của kỹ thuật viên vật lý trị liệu, bác sĩ Hoàng thông tin.
 
Đông y cũng tham gia điều trị hậu Covid-19. Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Lộc (Chủ tịch Hội Đông y TP HCM) cho biết hội đã kết hợp với Viện Y dược học dân tộc, Bệnh viện Nhi đồng 2 và các trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Khoa học Xã hội và Nhân văn triển khai chương trình Chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu nhiễm Covid-19. Chương trình sẽ diễn ra trong 5 tháng (từ ngày 16/1 đến 29/4) tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức.
 
Theo bác sĩ Lộc, chương trình dự kiến chăm sóc sức khỏe khoảng 12.000 F0 khỏi bệnh. Trong đó giai đoạn một tập trung vào khoảng 6.000 người cao tuổi, diện chính sách; giai đoạn hai là người có hoàn cảnh khó khăn. Người bệnh được thăm khám và cấp phát thuốc miễn phí, bao gồm khám bệnh tầm soát, sàng lọc, tư vấn tâm lý hậu Covid-19, chụp X-quang tim, phổi, đo điện tim, siêu âm. Mỗi người bệnh được tặng các sản phẩm y học cổ truyền từ dược liệu, hướng dẫn các biện pháp nâng cao thể trạng (tự xoa bóp, dưỡng sinh, ăn uống), các biện pháp theo dõi, phòng ngừa tái nhiễm...
 
Ngoài ra, Hội Đông y TP HCM cùng các đơn vị sẽ thành lập tổng đài tư vấn, hỗ trợ thông tin chăm sóc, điều trị người hậu nhiễm Covid-19. Tổ Tâm lý lâm sàng được triển khai tại Viện Y dược học dân tộc, nhằm tham vấn, trị liệu tâm lý cho người bệnh đến khám, chữa trực tiếp.
 
 

Xem thêm Thời sự