Giáo dục trọng về phát triển năng lực, phẩm chất của người học

  • www.doanhtri.net
  • 28-12-2018
  • 871 lượt xem

(Chinhphu.vn) – Giáo dục đang có một quá trình chuyển mạnh từ “nặng” về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục “trọng” về hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học.

Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HSSV. Ảnh: VGP/Phương Liên

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) đã có những trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về định hướng chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tập trung giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống trong nhà trường hiện nay.

Tăng cường giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020 là 1 đề án lớn của Chính phủ. Trong đó, giáo dục kỹ năng sống (KNS) là một yêu cầu quan trọng, đảm bảo giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên (HSSV) Việt Nam thành công dân toàn cầu, hội nhập quốc tế. Khi trang bị tốt kỹ năng sống, chúng ta đã trao cơ hội đảm bảo thành công cao hơn cho HSSV.Ông có thể chia sẻ cụ thể các kết quả đạt được khi triển khai giáo dục KNS cho HSSV thời gian qua?

Ngành giáo dục đang triển khai, thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo và đã có được những kết quả nhất định. Trong đó, vấn đề quan trọng được thực hiện là phải chuyển mạnh quá trình giáo dục từ “nặng” về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục “trọng” về hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tập trung giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống.

Giáo dục và đào tạo học sinh, sinh viên không chỉ tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ kiến thức, mà còn giáo dục KNS cho học sinh, sinh viên nhằm trang bị kỹ năng xử lý tốt các vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Hình thành và bồi dưỡng nhân cách đạo đức; phẩm chất và năng lực, có ý chí và bản lĩnh vững vàng đáp ứng yêu cầu của sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ.

Từ năm 2008 đến nay, Bộ GD&ĐT đã tham mưu ban hành, ban hành theo thẩm quyền 4 văn bản quy phạm pháp luật – trong đó có Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020” mà Bộ GD&ĐT sơ kết 3 năm triển khai trong hôm nay, 26/12; 6 văn bản chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn liên quan đến giáo dục KNS và hoạt động ngoài giờ chính khóa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Công tác giáo dục KNS được sự đồng thuận, tham gia, hưởng ứng của cán bộ giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và toàn xã hội, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Chất lượng giáo dục toàn diện học sinh được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng theo từng năm, duy trì tỷ lệ chuyên cần, giảm học sinh bỏ học. Học sinh biết ứng phó với các tình huống bạo lực trong nhà trường, biết phòng, tránh tai nạn, thương tích, đuối nước...; có những kiến thức cơ bản về giới tính, có kỹ năng chống lại sự cám dỗ từ tệ nạn xã hội.

Nội dung chương trình giáo dục KNS lồng ghép vào các môn học Đạo đức, Giáo dục Công dân, Văn học, Địa lý… trong giờ học chính khóa, đưa nội dung giáo dục KNS vào Chỉ thị năm học mới của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của các vụ, bậc học; nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác HSSV, Hướng dẫn Tuần sinh hoạt công dân-HSSV đầu khóa…

Chỉ đạo xây dựng chương trình, tài liệu Thực hành giáo dục KNS dành cho giáo viên, học sinh THCS, tiểu học để làm tài liệu tham khảo, áp dụng triển khai công tác giáo dục KNS.

Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể Trung ương trong giáo dục KNS nhằm giáo dục toàn diện cho HSSV, thông qua các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”;  “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực” của ngành Giáo dục và các phong trào “Thiếu nhi thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”; “Khi tôi 18”; “Học sinh 3 rèn luyện”; “Sinh viên 5 tốt”, Chiến dịch “Mùa hè xanh”, Chương trình “Tiếp sức mùa thi”... của tổ chức Đoàn, Hội, Đội nhằm giáo dục KNS cho HSSV.

Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các Sở GD&ĐT, cơ sở đào tạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật dưới nhiều hình thức: Ban hành công văn hướng dẫn, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn nhằm đánh giá tình hình, đề xuất các giải pháp triển khai về công tác giáo dục KNS cho HSSV trong các nhà trường.

Sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong giáo dục KNS ngày càng được quan tâm và coi trọng hơn. Nhiều chính quyền địa phương và các gia đình đã đặc biệt quan tâm đến giáo dục KNS. Các tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương có sự hỗ trợ nhiệt tình trong công tác tuyên truyền vận động giáo dục KNS cho trẻ ngay từ độ tuổi mầm non, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của phụ huynh và cộng đồng xã hội.

Theo ghi nhận tại các trường, cơ sở vật chất, tài liệu, học liệu, nhân lực triển khai còn thiếu khiến công tác giáo dục KNS, giáo dục lí tưởng cho HSSV gặp không ít khó khăn. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những khó khăn này có ảnh hưởng thế nào đến HSSV?

Quả thật, giáo dục KNS cũng bộc lộ một số những hạn chế trong quá trình triển khai khi nội dung  giáo dục KNS đa phần là lồng ghép, tích hợp với các môn học, chưa được xây dựng thành chương trình riêng trong chương trình phổ thông, nên việc tổ chức, thực hiện chưa thực sự mang lại hiệu quả, gặp khó khăn trong quá trình kiểm tra, đánh giá được kết quả vận dụng của học sinh.

Cơ sở vật chất, thiết bị trong trường học mới chỉ đáp ứng nhu cầu giảng dạy kiến thức cho học sinh, chưa đáp ứng được hoạt động giáo dục KNS. Các hoạt động chủ yếu tổ chức trong phòng học, hội trường, hoạt động tổ chức ở không gian ngoài lớp học, dưới dạng trải nghiệm ở các cơ sở thực tế còn ít. Theo số liệu báo cáo, mới có 70% sinh viên tham gia giáo dục KNS.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy KNS gặp nhiều khó khăn, lúng túng (chưa được tập huấn bài bản về giáo dục KNS, nguồn tài liệu phục vụ cho giáo viên và học sinh còn hạn chế, tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục KNS chưa cụ thể…). Hằng năm mới có khoảng trên 85% giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được tham gia tập huấn.

Hầu hết các trường đại học tổ chức đào tạo theo tín chỉ nên khó khăn trong việc tập trung sinh viên để tổ chức hoạt động tập thể, giáo dục KNS. Nhiều sinh viên còn nhiều khó khăn về kinh tế, phải đi dạy thêm, làm thêm nhiều, nên ít có thời gian tham gia các hoạt động KNS.

Bên cạnh đó, hoạt động các câu lạc bộ sở thích, tài năng, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của sinh viên trong các cơ sở đào tạo hoạt động chưa bài bản, kinh phí thiếu, chưa có kế hoạch phù hợp, qui định hỗ trợ cho sinh viên tham gia điều hành các câu lạc bộ chưa đảm bảo nên hoạt động các câu lạc bộ còn chưa thường xuyên, chất lượng như mong muốn của ngành giáo dục.

Có ý kiến cho rằng, cần có cơ chế xã hội hoá giáo dục đối với việc giáo dục KNS để có kinh phí cho hoạt động giáo dục lối sống cho học sinh. Vậy, làm sao để các khoản xã hội hóa này hiệu quả mà không dẫn đến “lạm thu”?

Giáo dục KNS không dừng lại việc tích hợp trong môn học chủ yếu là phần kiến thức, mà cần phải được rèn luyện, thể hiện qua hành vi, thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp, trải nghiệm, câu lạc bộ, tập luyện. Do vậy, rất cần cơ sở vật chất, kinh phí, tài liệu, học liệu, thời gian cho việc tập luyện, thực hành của mỗi kỹ năng cho phù hợp. Tuy nhiên, kinh phí dành cho công tác giáo dục kỹ năng sống còn rất hạn chế, do đó rất cần đến sự chung tay góp sức của tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội, đặc biệt là từ phía phụ huynh học sinh.

Song để tránh “lạm thu” trong công tác xã hội hóa, các cơ sở giáo dục, đào tạo cần tuân thủ, thực hiện đúng các văn bản quy định của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về lĩnh vực như quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh; Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Trong công tác xã hội hóa có sự thảo luận và thống nhất giữa ban giám hiệu, thầy cô giáo của tổ chức, cá nhận, cộng đồng xã hội đặc biệt là từ phía phụ huynh học sinh. Cần quy trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục, đào tạo trong công tác xã hội hóa. Cần thống nhất, công khai minh bạch về mục đích, nội dung, kế hoạch và kinh phí xã hội hóa. Cuối cùng, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý của các cấp theo đúng thẩm quyền được quy định.

Nhật Nam (thực hiện)

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe