Giáo dục ở các nước kém phát triển thay đổi lớn nhờ công nghệ

  • www.doanhtri.net
  • 25-02-2019
  • 809 lượt xem

Bộ phận lớn giáo viên ở các nước kém phát triển thiếu trình độ hoặc thường xuyên vắng mặt, máy tính bảng xuất hiện và làm việc hiệu quả.

Tại trường học Kicoshep ở Kibera, khu ổ chuột Nairobi (Kenya), học sinh lớp 3 đang học tiếng Anh. Jacinter Atieno - giáo viên trong lớp đặt câu hỏi về chủ đề nào đó. Một người giám sát đứng ở cuối lớp ghi chép lại thông tin về quá trình dạy học của Atieno vào máy tính bảng. Sau nửa tiết học, người giám sát đó gọi và kiểm tra khả năng đọc của 3 học sinh. Điểm sẽ lưu vào máy tính bảng. Thông tin được tải lên văn phòng hạt, nơi điều hành các trường học địa phương và có thể được xem bởi sếp của các giáo viên đó.

Đây là hoạt động của chương trình "Tusome - Cùng đọc nào" - một chương trình lớn gây quỹ đến 74 triệu USD trong vòng 5 năm đã được áp dụng bởi chính quyền Kenya, và được áp dụng trên 3,4 triệu trẻ em ở 23.000 trường tiểu học công lập và 1.500 trường tư. Việc giám sát cùng máy tính bảng chỉ là một phần nhỏ. Tusome là chương trình giảng dạy chuẩn, cùng với kế hoạch bài học chi tiết để hỗ trợ giáo viên. Cô Atieno nhiệt tình chia sẻ: "Tôi rất thích người giám sát. Khi nào gặp rắc rối tôi có thể nói và cô ấy sẽ đến giúp đỡ tôi".

Thiếu hụt giáo viên có trình độ

Trong năm đầu áp dụng Tusome, số lượng học sinh lớp hai có thể đọc 30 từ một phút (wpm) tăng từ 1/3 lên 2/3. Dù vậy, so với các nước phát triển, tiêu chuẩn này còn rất thấp. Người Mỹ phải đọc được 60wpm đầu năm lớp hai và 90wpm vào cuối năm học. Kể cả khi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, khoảng cách thu nhận khiến thức giữa các nước giàu và nghèo vẫn còn rất lớn.

Hầu hết trẻ ở độ tuổi tiểu học trên thế giới nay đã được đến lớp. Nhưng ở nhiều trường, trẻ em hầu như không học gì. Nghiên cứu bởi Ngân hàng Thế giới (WB) về 7 nước gần sa mạc châu Phi phát hiện, một nửa học sinh lớp 4 không thể đọc chữ; gần 3/4 không đọc được một câu hoàn chỉnh; 12% không nhận biết được mặt chữ số; 24% không thể cộng số đơn; và 70% không thể trừ số có hai chữ số. Nghiên cứu gần đây ở Ấn Độ cũng cho thấy 38% học sinh lớp 3 không thể đọc những chữ đơn giản, chỉ 27% có thể trừ số có 2 chữ số.

Vấn đề ở đây là giáo viên: thường quá ít, thiếu kiến thức, thậm chí họ không hề xuất hiện. Những chuyến thăm bất ngờ đến các lớp học ở 7 nước gần sa mạc châu Phi do WB thực hiện phát hiện, giáo viên ở gần nửa số lớp đó vắng mặt. Giáo viên đi làm thì đều không đủ tiêu chuẩn. Ở Bihar phía bắc Ấn Độ, chỉ 11% giáo viên công lập có thể giải bài toán chia số 3 chữ số cho đơn số và viết ra các bước làm.

Công nghệ làm thay đổi lớn cho giáo dục các nước kém phát triển

Nhiều trường học ở các nước kém phát triển bị quá tải sĩ số và không có giáo viên đủ trình độ. Ảnh: Reuters

Tăng lương cho giáo viên cũng không cải thiện được tình hình. Theo nghiên cứu của Justin Sandefur của Trung tâm Phát triển Toàn cầu, giáo viên ở các nước kém phát triển thường được trả lương cao trên tiêu chuẩn của địa phương. Và bằng chứng từ các nước như Indonesia và Pakistan gợi ý rằng mức lương của giáo viên có ảnh hưởng rất nhỏ đến giáo dục.

Lý tưởng hơn, chính phủ nên đầu tư vào đào tạo giáo viên, thăng chức hoặc sa thải họ dựa vào hiệu suất giảng dạy. Nhưng để hiện thực hóa những tham vọng này cần khả năng quản lý mà nhiều nước đang phát triển còn thiếu.

Công nghệ không phải là một phương pháp thay thế tốt cho giáo viên chất lượng, nhưng - nếu được sử dụng đúng cách - có thể làm dịu vấn đề. Vào 2006, Nicholas Negroponte, người sáng lập Viện công nghệ MIT, bắt đầu chiến dịch "Một laptop một đứa trẻ (OLPC)" để đem máy tính đến những đứa trẻ nghèo trên thế giới. Nhưng kể cả khi laptop rẻ được giao đến những ngôi trường nghèo, trình độ học vẫn không cải thiện. Ở Uruguay, một triệu máy tính đã được phân bổ, nhưng chúng không có tác động nào lên điểm kiểm tra của học sinh.

Những hiệu quả từ công nghệ

OLPC phản ánh cái mà Michael Trucano, chuyên gia về công nghệ giáo dục tại Ngân hàng Thế giới, gọi là luật cơ bản của sự can thiệp công nghệ: "Nếu bạn chỉ quẳng đống phần cứng ở trường học, rồi mong một điều kỳ diệu sẽ xảy ra – không có chuyện đó đâu".

Nghiên cứu gần đây cho thấy hiện có vài nơi công nghệ được khai thác hiệu quả cho các nước nghèo - giải quyết nhiều vấn đề mà hệ thống giáo dục của các nước đang phát triển phải đối mặt.

Dữ liệu giám sát viên Tusome tải về máy tính bảng, kết hợp với GPS, cho giám đốc giáo dục quận biết liệu giáo viên và huấn luyện viên có đang làm đúng nhiệm vụ hay không.

Công nghệ cũng có thể giúp giáo viên quản lý các kỹ năng trong lớp. Trong một thử nghiệm lớn giữa những đứa trẻ được chọn ngẫu nhiên tại các trường công lập ở Delhi, Mindspark, một phần mềm tương tác được phát triển ở Ấn Độ, đã được chứng minh là tạo ra sự khác biệt lớn.

Công nghệ làm thay đổi lớn cho giáo dục các nước kém phát triển - 1

Học sinh tại Ấn Độ thử nghiệm học trên máy tính. Ảnh: Mindspark

Công nghệ cũng có thể giảm bớt gánh nặng của giáo viên bị quá tải trong lớp học. Phần mềm tương tác được sản xuất bởi Onebillion, một nhóm phi lợi nhuận của Anh, đã được thử nghiệm ở những lớp học có sĩ số quá lớn (trung bình có 76 học sinh, có lớp tới 250 học sinh). Trong thử nghiệm của Onebillion, trẻ em đã được đưa ra khỏi các lớp học khổng lồ của chúng, ghép thành các nhóm 25 người và cung cấp máy tính bảng với các phần mềm toán học. Những đứa trẻ có phần mềm toán học đã đạt kết quả đáng kể.

Phần mềm của Onebillion, một trong năm hệ thống đang trải qua bài kiểm tra khó khăn nhất: dạy trẻ em khi không có giáo viên. Chúng đã lọt vào chung kết trong Global Learning XPrize, được tài trợ bởi Elon Musk, ông trùm công nghệ ở Thung lũng Silicon. Họ đang được thử nghiệm tại 150 ngôi làng không trường học hẻo lánh ở Tanzania.

Hệ thống như của Mindspark và Onebillion còn có thể giúp khắc phục sự thiếu hiểu biết cơ bản của giáo viên. Một phần mềm tốt có thể tính tổng, đánh vần, đặt câu có ngữ pháp chính xác và cung cấp nhiều thông tin thông qua các video. 

Pranav Kothari của Mindspark nói rằng công nghệ giáo dục ở Ấn Độ rất hữu ích: "Ở Ấn Độ, chúng tôi cần 9 triệu giáo viên, nhưng chúng tôi không có 9 triệu người có thể giảng dạy".

Căn phòng trống với những chiếc máy tính bảng

Tuy nhiên, thiết kế một phần mềm phù hợp là chưa đủ. Để tạo ra sự khác biệt lớn, các sáng kiến công nghệ cần có sự chấp nhận của giáo viên và quản trị viên tại các địa phương. RTI International, nhóm phi lợi nhuận của Mỹ phát minh ra Tusome, đã làm việc nhiều năm trong hệ thống giáo dục, thử nghiệm các phiên bản khác nhau và thậm chí còn được sự chấp thuận của hội giáo viên địa phương. Nhờ đó, nó đã áp dụng trong 23.000 trường công lập.

Năm nay, Mindspark đang được thử nghiệm tại các trường công lập ở bang Rajasthan, miền bắc Ấn Độ. Tại trường tiểu học ở Ghanghu, một ngôi làng sa mạc, trẻ em ngồi trong "phòng thí nghiệm của Mindspark" - một căn phòng trống với những chiếc máy tính bảng đặt trên bàn - làm phép tính, chơi trò chơi học tập và xem video. Dù một số ngày học không có giáo viên, nhưng trợ lý của Mindspark luôn có mặt và giúp các em học tập. "Nó như một ngôi trường bình thường", một trong những nhân viên của Mindspark nói.

Những đứa trẻ không quen sử dụng công nghệ, nhưng chúng đều có vẻ thích nó. "Trong mỗi câu chuyện, em học được những từ mới và ý nghĩa của chúng", Chanda, 12 tuổi nói. Mohit, 14 tuổi, nghĩ rằng, nó rất tốt vì giáo viên không ở đó, vì vậy bạn không sợ việc trả lời sai.

Chi phí 15 USD cho mỗi đứa trẻ một năm không phải là quá lớn, các nghiên cứu cho thấy Mindspark hiệu quả và chính phủ tiểu bang dường như đang rất quyết tâm cải thiện kết quả học tập.

Lê Phượng (Theo The Economistvnexpress.net

Ứng dụng công nghệ giải quyết các vấn đề thực tế là xu hướng chung trên toàn thế giới, trong đó có giáo dục. Đại diện Đại học trực tuyến FUNiX – trường đại học trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam khẳng định, không chỉ giải quyết các vấn đề trong lớp học, edtech đang tham gia phát triển, giải quyết các nhu cầu thực tế của cộng đồng học tập, và sẽ trở thành tương lai của nền giáo dục toàn cầu.

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe