Giám sát để cán bộ không "ảo tưởng" quyền lực, hành xử thiếu chuẩn mực

  • www.doanhtri.net
  • 14-05-2022
  • 478 lượt xem
VOV.VN - Theo luật sư, vị Phó trưởng công an phường ở TP Cao Bằng được trao một “cái áo quyền lực” nên ảo tưởng rằng họ có quyền lực nên mới dẫn đến hành vi hống hách, ngạo mạn.
 
Câu chuyện một vị Phó trưởng Công an phường ở thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đến nhà dân bắt người vào lúc nửa đêm và xô xát, hành hung phụ nữ xảy ra mới đây khiến dư luận bức xúc
 
Là người đang công tác tại một cơ quan bảo vệ pháp luật, nhưng vị Phó Trưởng công an phường này lại coi thường pháp luật. Sự việc này cũng như một số sự việc khác xảy ra gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về văn hóa công vụ, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức Nhà nước. 
 
Theo thông tin mới nhất, Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng đã ký Quyết định thi hành kỷ luật đối với Trung tá Đặng Đình Đoàn - Phó trưởng Công an phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng bằng hình thức cách chức Phó trưởng Công an phường, cho thôi phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân.
 
Phóng viên VOV phỏng vấn luật sư Nguyễn Danh Huế - Công ty luật Hừng Đông về vấn đề này.
 
PV: Qua nghe câu chuyện về một vị Phó Trưởng công an phường ở thành phố Cao Bằng đến nhà dân bắt người vào lúc nửa đêm và hành hung phụ nữ, ông có suy nghĩ như thế nào?
 
Luật sư Nguyễn Danh Huế: Cá nhân tôi cảm thấy phẫn nộ với hành vi này. Tôi cho rằng, đây là những hành vi không thể chấp nhận được, hành vi sử dụng bạo lực đối với phụ nữ là thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực.
 
Đặc biệt đây là một cán bộ công an nhân dân nhưng lại có những hành vi phản cảm, bôi xấu danh dự, uy tín của ngành công an, làm xấu đi bộ mặt của cán bộ, công chức.
 
Tôi cho rằng những hành vi này cần phải xử lý nghiêm minh để những việc tương tự như vậy không được phép diễn ra nữa.
 
PV: Điều đáng nói vị Phó Trưởng công an phường không phải là đang thi hành công vụ mà chỉ mang tính chất công việc cá nhân. Theo luật sư, ông này đã vi phạm những quy định gì?
 
Luật sư Nguyễn Danh Huế: Hành vi này vi phạm nhiều quy định của pháp luật. Vị này là Phó công an phường nên chịu sự điều chỉnh của Luật Công an nhân dân. Khoản 3 Điều 4 của Luật Công an nhân dân nói về nguyên tắc tổ chức hoạt động của CAND, đó là phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phải nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, hành vi của vị này đã vi phạm nguyên tắc tổ chức của CAND.
 
Điều 32 của Luật Công an nhân dân quy định những việc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân không được làm gồm: Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Những việc trái với pháp luật, điều lệnh Công an nhân dân và những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức, viên chức không được làm.
 
Tại Thông tư 17 năm 2012 của Bộ Công an quy định Điều lệ của công an nhân dân, trong đó nói rõ người chiến sỹ CAND phải tôn trọng, kính trọng, lễ phép với nhân dân và hết lòng phục vụ nhân dân.
 
Vị Phó trưởng công an phường không những vi phạm Luật Công an nhân dân mà còn vi phạm điều lệ của ngành. Bên cạnh đó clip còn thể hiện việc một số người đàn ông dùng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực để bắt giữ người trái pháp luật, ở đây có dấu hiệu của tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017. Các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ, nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
 
Hình ảnh Phó Trưởng Công an phường Sông Bằng đánh dân (ảnh chụp từ clip)
 
PV: Có ý kiến cho rằng, việc Phó trưởng công an phường tự ý bắt người khi không có lệnh của cơ quan có thẩm quyền là sai nếu người bị bắt có hành vi vi phạm pháp luật. Ông có bình luận gì về ý kiến này?
 
Luật sư Nguyễn Danh Huế: Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định rất rõ về trình tự, thủ tục cũng như những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong những trường hợp bắt người. Theo đó, luật quy định không một ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, chỉ trừ một số trường hợp nhất định.
 
Khi phát hiện tội phạm mà chúng ta không tố giác tội phạm thì có khi chúng ta cũng vi phạm pháp luật. Trong một số trường hợp, không nhất thiết phải là những người thực thi công vụ như công an mới được quyền bắt người, mà người dân cũng có quyền bắt người.
 
Ví dụ như trong trường hợp phát hiện tội phạm đang phạm tội quả tang thì chúng ta có quyền bắt người, dẫn giải về công an hay những nơi gần nhất. Trường hợp thứ hai là bắt những người đang trốn lệnh truy nã, không nhất thiết phải là những người thực thi công vụ mà người dân cũng có quyền bắt những đối tượng đó.
 
Ngoài ra, Bộ luật tố tụng hình sự cũng nghiêm cấm việc bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc trốn truy nã.
 
Quay lại vụ việc ở Cao Bằng, sự việc diễn ra vào buổi tối và Phó trưởng công an phường này đang không thực hiện nhiệm vụ được giao, có nghĩa là trái thẩm quyền. Rõ ràng, người này đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trái với tinh thần của Bộ luật tố tụng hình sự. 
 
PV: Trong tháng 4 vừa qua, câu chuyện một vị Phó Trưởng phòng thuộc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế buông lời thách thức người dân khi bị nhắc nhở về việc đỗ xe, hay chuyện một đại úy Công an Bình Dương đánh dân do mâu thuẫn về chỗ đỗ xe đã khiến dư luận bức xúc. Những người này tự cho rằng bản thân mình có một vị trí trong bộ máy hành chính của Nhà nước thì sẽ có quyền hành đặc biệt để có thể đe nẹt và dọa dẫm người dân. Ý kiến của ông như thế nào?
 
Luật sư Nguyễn Danh Huế: Đây là hiện tượng không phải hiếm. Ở đây có một số nguyên nhân dẫn đến việc này. Thứ nhất, những cán bộ trên đã ảo tưởng sức mạnh. Họ được trao một “cái áo quyền lực” nên ảo tưởng rằng họ có quyền lực, thậm chí là quyền lực vô biên. Việc ảo tưởng này xuất phát từ công tác giám sát đối với những người thực thi công vụ còn hạn chế.
 
Có trường hợp khi nhân dân phản ánh thì nhiều nơi xử lý kỷ luật chưa triệt để, thậm chí bao che, tiếp tay, nên những tình trạng này vẫn diễn ra. Đôi khi nhiều trường hợp vi phạm muốn xử lý nhưng hành lang pháp lý chưa rõ ràng, quy trình xử lý còn phức tạp, mất thời gian. Đó cũng là trong một trong những nguyên nhân khiến tình trạng có những hành vi không đúng chuẩn mực trong thi hành công vụ.
 
PV: Theo quan điểm của ông, cần làm gì để khắc phục được tình trạng trên?
 
Luật sư Nguyễn Danh Huế: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam, luật về cán bộ, công chức, Luật Công an nhân dân hay các luật chuyên ngành đều rất đầy đủ, quy định rất chặt chẽ. Dù đâu đó vẫn còn một số bất cập, nhưng trên bình diện chung thì pháp luật tương đối chặt chẽ, đầy đủ.
 
Hiến pháp năm 2013 quy định các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức thì phải kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền đối với nhân dân. Luật cán bộ, công chức cũng quy định rất rõ và chặt chẽ về một số điều mà cán bộ công chức, viên chức không được làm, không được hách dịch cửa quyền với nhân dân.
 
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án về thực hiện văn hóa công sở với những yêu cầu rất cụ thể về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, trong đó nêu rõ là khi tiếp xúc với người dân để giải quyết công việc thì các cán bộ, công chức cần thực hiện 4 “xin”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn và xin phép; 4 “luôn” đó là luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe và luôn giúp đỡ.
 
Hệ thống pháp luật đầy đủ, người đứng đầu Chính phủ cũng đã có những quyết tâm xây dựng văn hóa công sở nhưng trên thực tế thời gian qua vẫn xảy ra nhiều vụ việc có lối hành xử rất phản cảm. Tôi cho rằng, vấn đề ở đây không nằm ở chỗ là các quy định pháp luật còn lỏng lẻo, mà nó nằm ở công tác thực thi.
 
Dù luật pháp có nghiêm minh nhưng người thực thi không nghiêm. Do đó, điều quan trọng là tiếp tục hoàn thiện hệ thống giám sát.
 
Các cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông là một kênh giám sát rất tốt, vì vậy cần tăng cường hơn nữa vai trò của báo chí. Bên cạnh đó, các cơ chế về hành lang pháp lý để cho người dân tham gia vào việc giám sát quyền lực của các cơ quan Nhà nước cũng đã đầy đủ, điều quan trọng hiện nay là triển khai trên thực tế để làm sao người dân phát huy được vai trò.
 
Tôi tin rằng ở bất cứ một cơ quan, tổ chức, địa bàn nào, nếu để người dân tham gia một cách đầy đủ vào việc giám sát các hoạt động của công chức, viên chức hay của lãnh đạo, thì ở đó chắc chắn là hiệu quả sẽ được phát huy một cách tối đa.
 
PV: Xin cảm ơn luật sư./.
 
PV/VOV.VN

Xem thêm Tin Pháp luật