ĐỘC TIỂU THANH KÝ
Thơ: Nguyễn Du Lời bàn: Nguyễn Đình Đại (BBV)

  • www.doanhtri.net
  • 02-09-2019
  • 1573 lượt xem

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

 

Trên đây là một bài thơ "Đường luật thất niêm" của Nguyễn Du từng bị cho là "ngụy tác" bởi "Nguyễn Du đã từng đánh hỏng bao nhiêu sĩ tử vì lỗi làm thơ thất niêm thất luật không lẽ gì chính mình lại vi phạm lỗi ấy..." (Nguyễn Cẩm Xuyên, báo KTNN số 896).

Vâng, đó là bài thơ Đường thất ngôn bát cú (TNBC) "luật bằng" vì chữ thứ hai trong câu đầu (Hồ) dùng thanh bằng nên chữ thứ hai câu chót cũng phải là bằng chứ không thể là trắc (hạ) được.

Nhưng Bác Bảo Vệ lại cho đây là "lỗi cố tình" của Nguyễn Du...

Sáu câu trên của bài thơ này hoàn toàn giữ đúng niêm luật của một bài thơ Đường TNBC.

Cặp câu Đề giới thiệu cảnh vật tang thương biến đổi tột cùng ("tẫn" là "tột cùng") sau hai thế kỷ từ Tiểu Thanh đến Nguyễn Du, vườn hoa xưa nay chỉ còn là bãi hoang tàn:

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.

Ngoài song trông vào khách viếng chỉ được đọc một mảnh tình thơ sót lại (bị người vợ cả của chồng nàng ghen ghét nên đốt hết) của nàng Tiểu Thanh (sinh năm 1594 và mất năm 1612 khi mới vừa 18 tuổi) được người đời sau lưu giữ để thương tiếc một bậc tài hoa bạc mệnh.

Cặp câu Thực tả về miếu thờ trang nghêm có cả di ảnh "chi phấn hữu thần" và mảnh thơ sầu thảm ấy (lụy phần dư):

Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.

Cặp câu Luận nói về tâm trạng Nguyễn Du đang tự mang (ngã tự cư) "hận sự" giống như nàng:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.

Căp câu Kết "phá cách" (thất niêm) bởi đột nhiên Nguyễn Du thảng thốt nói về mình và chỉ có... xót thương mình:

Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Có nghĩa là: Chẳng biết ba trăm năm nữa thiên hạ có ai khóc Tố Như (tức Nguyễn Du) không?

Quý vị nghĩ sao nếu cặp câu kết này được Nguyễn Du viết... đúng niêm luật bài thơ Đường?

Nguyễn Du cho điều đó không chỉ "vô duyên" mà còn làm hỏng bố cục của bài thơ nên đã quyết định "phá cách" riêng hai câu kết.

Và quả thật chính hai câu kết này đã trở thành bất hủ như Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Tóm lại Độc Tiểu Thanh Ký là của Nguyễn Du viết chứ không ai khác và cũng không có chuyện "tam sao thất bổn" ở đây...

 

Lời bàn: Nguyễn Đình Đại (BBV)

Xem thêm Văn Nghệ