Chuyên gia nói gì về dấu ấn Trung Quốc trong điện mặt trời Việt Nam?

  • www.doanhtri.net
  • 13-11-2019
  • 481 lượt xem

Sự tham gia của các doanh nghiệp Trung Quốc với vai trò nhà cung cấp trong thị trường năng lượng tái tạo giúp Việt Nam có thể nhận được lợi ích đầu tư cũng như tiếp cận công nghệ không quá tốn kém.

Sự bùng nổ các dự án điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam đã kéo theo sự tăng vọt về đầu tư đến từ nhiều nhà đầu tư khác nhau, phá vỡ những kỳ vọng truyền thống về cách năng lượng tái tạo có thể phát triển trong khu vực.

Bên cạnh các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong khu vực cũng hoạt động rất tích cực tại thị trường năng lượng Việt Nam, nổi bật là sự tham gia của các công ty đến từ Trung Quốc.

Theo bà Melissa Brown, cố vấn tài chính năng lượng của Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA), các nhà đầu tư Trung Quốc dường như đang theo dõi sát sao thị trường. 

Các công ty và ngân hàng Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng nhưng không phải với tư cách là những nhà phát triển dự án mà là các công ty cung cấp thiết bị cùng sự tài trợ từ nhiều ngân hàng nước này.

Chuyên gia nói gì về dấu ấn Trung Quốc trong điện mặt trời Việt Nam?
Bà Melissa Brown, cố vấn tài chính năng lượng của Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính.

JinkoSolar, một trong những nhà cung cấp tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, cách đây vài tháng thông báo về việc cung cấp pin tổng công suất 351 MW cho nhà máy năng lượng mặt trời Hồng Phong.

Nằm tại xã Hồng Phong thuộc tỉnh Bình Thuận, đây là dự án năng lượng lớn nhất tại khu vực châu Á cho tới nay.

Trước đó không lâu, JinkoSolar cũng thông báo là đơn vị cung cấp pin cho nhà máy năng lượng mặt trời của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) nằm trong tổ hợp năng lượng tái tạo đầu tiên và lớn nhất Việt Nam.

Đây cũng là nhà cũng cấp pin năng lượng cho cụm hai nhà máy điện mặt trời Srêpok và Quang Minh.

Chia sẻ với TheLEADER, bà Melissa Brown đánh giá đây là cách tiếp cận khá thông minh khi có thể kết hợp được lợi ích đầu tư từ Trung Quốc cùng những công nghệ không quá tốn kém.

Dù có thể chưa có nhiều kinh nghiệm so với thế giới nhưng mức giá Trung Quốc đưa ra rất cạnh tranh. Cùng với đó, nguyên tắc tham gia được nhận định khá thẳng thắn với những điều khoản về tài chính có sự hỗ trợ của các ngân hàng Trung Quốc.

Ví dụ, B.Grimm đã sử dụng một nhà thầu kỹ thuật, mua sắm và xây dựng (EPC) của Trung Quốc và các nhà cung cấp Trung Quốc cho việc xây dựng trang trại điện mặt trời tại Việt Nam.

B.Grimm chỉ trả trước 10% số tiền cho các đối tác Trung Quốc và chỉ phải bắt đầu trả nốt phần còn lại hơn một năm sau đó – một chiến lược tài chính giúp mang lại không gian thông thoáng để doanh nghiệp này hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Các công ty Trung Quốc đã có được chỗ đứng vững chắc bằng cách đưa ra các điều khoản tương tự cho các nhà phát triển dự án khác, tận dụng khả năng tài trợ của các ngân hàng lớn tại nước này.

Ngoài Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp trong khu vực với bề dày thành tích trong lĩnh vực điện và năng lượng đã hoạt động rất tích cực tại thị trường Việt Nam.

Các thương hiệu đến từ Thái Lan như B.Grimm, Gulf Energy và Banpu đều có mặt.

Công ty AC Energy thuộc Tập đoàn Ayala Philippines cùng với BIM Energy (thương hiệu mảng năng lượng thuộc Tập đoàn BIM Group) phát triển cụm nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 330MWP, vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.

Từ năm 2017, Tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc liên doanh của Bambo Capital (BCG) và Công ty Đầu tư - Xây dựng - Thương mại Băng Dương để phát triển nhà máy điện năng lượng mặt trời tại Long An. Dự án này có công suất 100MW với tổng mức đầu tư gần 100 triệu USD, xây dựng trên diện tích 125 ha.

Hơn nữa, các nhà đầu tư và phát triển của Nhật Bản và Hàn Quốc đang ngày càng tham gia mạnh hơn vào thị trường Việt Nam. Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã cùng với Vietcombank lập ra một hạn mức tín dụng xanh trị giá 200 triệu USD cho các dự án điện mặt trời.

https://theleader.vn/

Xem thêm Thời sự