Cần thay đổi phương thức để người trẻ tự đọc sách, tự học nhiều hơn

  • www.doanhtri.net
  • 14-05-2022
  • 523 lượt xem
Sinh viên nhận giải Cuộc thi “Cuốn sách tôi yêu lần thứ 2”. (Ảnh: ANTT)
 
VOV.VN - Văn hóa đọc đang có xu hướng bị mai một, song trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, đã đến lúc cần thay đổi phương thức để người trẻ tự đọc sách, tự học nhiều hơn.
 
Đây là những nội dung được TS Lê Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng ĐH Nội vụ Hà Nội đưa ra tại Chương trình trao giải Cuộc thi “Cuốn sách tôi yêu lần thứ 2” nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 2022) diễn ra chiều nay (13/5).
 
Đây là lần thứ 2 cuộc thi “Cuốn sách tôi yêu” được tổ chức trong nhà trường, với mong muốn đa dạng hoá các hình thức đọc sách, lan toả niềm đam mê đọc sách trong sinh viên, thế hệ trẻ. Các bài dự thi được thực hiện theo hình thức giới thiệu sách bằng video clip và nộp dự thi trực tuyến.
 
Sau một thời gian phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 300 tác phẩm dự thi của các thí sinh, nhóm thí sinh thuộc Đại học Nội vụ Hà Nội khu vực Hà Nội, phân hiệu Quảng Nam và phân hiệu TP.HCM. Các cuốn sách được lựa chọn chia sẻ có nội dung phong phú, từ sách văn học, lịch sử, kỹ năng sống…
 
Qua đó, Ban tổ chức đã chọn ra 14 tác phẩm xuất sắc nhất để trao thưởng gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 3 giải Khuyến khích và 6 cá nhân đạt giải Triển vọng.
 
Phát biểu trao giải, TS Lê Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng ĐH Nội vụ Hà Nội nêu rõ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Bất luận làm việc gì cũng cần phải đọc sách, người mới học chữ cần đọc để không mù lại”. Người rất quan tâm đến việc xây dựng và phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng, tạo mọi điều kiện để nhân dân được tiếp cận và hưởng thụ món ăn tinh thần qua sách báo nhằm phát triển tri thức của xã hội, của mỗi người dân, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
 
Cuộc thi “Cuốn sách tôi yêu” được tổ chức nhằm giúp các sinh viên nói riêng, toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường nói chung tiếp tục nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của văn hoá đọc; xác định việc đọc, học nữa, học mãi, học tập suốt đời theo gương Bác Hồ vĩ đại là việc làm vô cùng cần thiết và phải được thường xuyên coi trọng.
 
Nói về văn hóa đọc trong sinh viên hiện nay, TS Lê Thanh Huyền cho rằng, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như vũ bão với vô vàn thông tin khác nhau, văn hóa đọc đang dần mai một. Tuy nhiên đã đến lúc cần thay đổi quan niệm về đọc sách của giới trẻ cũng như thay đổi phương tiện, cách thức đọc sách của giới trẻ.
 
“Trong bối cảnh hội nhập, công nghệ thông tin phát triển, thời gian gần đây các trường đại học đã thay đổi phương thức đọc sách cho sinh viên bằng cách tạo ra các thư viện số để các em có những cách tiếp cận mới, dù ở khắp mọi nơi đều có thể tiếp cận sách. Chỉ cần một chiếc điện thoại, máy tính bảng hay laptop sinh viên có thể đọc bất cứ cuốn sách nào mà không cần phải đọc trên giấy”, TS Lê Thanh Huyền nói.
 
Phó Hiệu trưởng ĐH Nội vụ Hà Nội cũng cho rằng, khi đưa câu chuyện đọc sách vào nhà trường thì cũng cần xem lại phương pháp dạy học. Tức phải hướng đến, định hướng về năng lực cho học sinh, sinh viên. Không thể xem sách giáo khoa hay thầy cô giáo là nguồn cung cấp kiến thức duy nhất mà cần làm sao cho người đọc tìm tòi thêm những thông tin bên ngoài, tự đọc sách, tự học./.
 
Nguyễn Trang/VOV.VN

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe