Bộ Chính trị yêu cầu bảo vệ người tố cáo tham nhũng

  • www.doanhtri.net
  • 17-01-2019
  • 533 lượt xem

Người đứng đầu sẽ bị xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng người dân thuộc phạm vi phụ trách bị trả thù, trù dập khi tố cáo.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 

Chỉ thị nêu rõ 8 nhiệm vụ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu. Cụ thể, lãnh đạo các đơn vị phải chỉ đạo bảo vệ người tố cáo thuộc phạm vi mình phụ trách, kịp thời uốn nắn lệch lạc trong quá trình thực hiện của cấp dưới.

Người đứng đầu các cấp sẽ bị xử lý trách nhiệm nếu buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra tình trạng người dân, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi phụ trách bị trả thù, trù dập khi tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 

"Cần xác định rõ việc bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cơ quan chức năng ở các cấp", chỉ thị nêu.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. Ảnh: PV

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. Ảnh: PV

Bộ Chính trị yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương tham mưu ban hành quy định liên quan đến việc bảo vệ người tố cáo; chú trọng các biện pháp phòng ngừa; làm rõ những biểu hiện của hành vi trả thù, trù dập người tố cáo...

Ban cán sự đảng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan được giao nhiệm vụ chỉ đạo ban hành quy định, hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo năm 2018.

Cũng theo chỉ thị, người lợi dụng quyền phản ánh, tố giác để bôi nhọ, vu khống, thông tin sai sự thật... phải được xử lý nghiêm; còn những người tố cáo đúng và những nơi làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo cần được khen thưởng.

Trước đó Luật Tố cáo 2018 được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã dành một chương quy định về bảo vệ người tố cáo, nêu rõ phạm vi bảo vệ gồm: bí mật thông tin của người tố cáo; vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm....

Trách nhiệm bảo vệ thuộc về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Bên cạnh đó, các cơ quan khác, trong phạm vi của mình cũng có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo và những người thân thích của họ. Đó là cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo; cơ quan công an; cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động; ủy ban nhân dân các cấp, công đoàn các cấp.

vnexpress.net

Xem thêm Thời sự