Bình Dương giải ngân đầu tư công chậm, dự án treo nhiều gây lãng phí

  • www.doanhtri.net
  • 23-07-2022
  • 415 lượt xem
Buổi làm việc của Đoàn giám sát với UBND tỉnh Bình Dương
 
VOV.VN - Nhiều dự án “treo” 15-20 năm chưa thực hiện, dự án chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng gây lãng phí. Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị địa phương báo cáo thêm số liệu, tài liệu chi tiết ở một số dự án để làm rõ.
 
Hôm nay (22/7), Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường–Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về chuyên đề “Thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương.
 
Tại buổi giám sát, Đoàn công tác đánh giá cao kết quả của Bình Dương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Đoàn cũng chỉ ra những vấn đề nổi cộm mà tỉnh cần bổ sung, làm rõ và đề ra các giải pháp để tránh gây lãng phí.
 
Cụ thể, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2021 của Bình Dương chỉ ở mức trung bình so với cả nước và còn có xu hướng bị giảm trong những năm gần đây. Do đó, tỉnh cần rà soát kỹ các dự án đã hoàn thành hoặc đang thực hiện phát sinh các vướng mắc, có những đánh giá chính xác, khách quan về hiệu quả đầu tư để có các giải pháp khắc phục, hoàn thiện.
 
Một vấn đề khác cũng được Đoàn công tác nhấn mạnh là việc nhiều dự án “treo” cả 15-20 năm chưa thực hiện, dự án chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng gây lãng phí. Đoàn đề nghị địa phương nhanh chóng tổng kết, báo cáo bổ sung thêm số liệu, tài liệu chi tiết tại một số dự án để làm rõ.
 
Ông Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương
 
Ngoài ra, thành viên Đoàn giám sát đề nghị các đơn vị ở Bình Dương làm rõ nguyên nhân các dự án đã triển khai, hoạt động nhưng đang bỏ hoang, đặc biệt là Bệnh viện tâm thần ở Phú Chánh (thị xã Tân Uyên) và Dự án đường Mỹ Phước-Tân Vạn nối dài tại thành phố Dĩ An.
 
Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói: “Bệnh viện, tuyến đường được nêu phải lưu ý và thật sự quan tâm chỉ đạo, bởi khi đưa vào sử dụng thì nó phát huy hiệu quả, nếu không thì một khoản ngân sách rất lớn đầu tư nhưng “đắp chiếu” thì là sự lãng phí rất lớn”.
 
Ông Phạm Xuân Ngọc- Phó giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi trường tỉnh Bình Dương giải trình vấn đề Đoàn giám sát yêu cầu
 
Lãnh đạo Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Bình Dương đồng ý với nhận xét của Đoàn công tác về công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chậm so với cả nước. Hiện, Bình Dương đã thành lập các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn. HĐND tỉnh cũng chủ động họp đột xuất khi có nhu cầu, yêu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, cũng như thông qua các chủ trương. Sở Kế hoạch-Đầu tư cũng yêu cầu chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân trong năm. Đồng thời theo dõi nếu không đạt kế hoạch đề ra sẽ mời chủ đầu tư, các ngành họp tìm nguyên nhân tháo gỡ.  
 
Về vấn đề dự án “treo”, dự án chậm triển khai, ông Phạm Xuân Ngọc- Phó giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, hàng năm, sở đã chỉ đạo các ngành thống kê các dự án “treo”, chậm triển khai. Đối với những dự án chủ đầu tư không đủ năng lực đã thu hồi. Cụ thể giai đoạn trước đã thu hồi 37 dự án với diện tích trên 1.000ha, giai đoạn 2016-2021 thu hồi 4 dự án. Hiện tại, Bình Dương còn 28 dự án chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng với tổng diện tích khoảng 353 ha.
 
Ông Ngọc nói: “Những dự án chậm triển khai cho gia hạn 24 tháng, doanh nghiệp sẽ đóng tiền sử dụng đất tương ứng với số tháng được gia hạn. Sau 24 tháng nếu không sử dụng, chưa có phương án xử lí sẽ bị thu hồi và không được bồi thường theo tinh thần của Luật đất đai”.
 
Bệnh viện tâm thần ở Phú Chánh chưa đưa vào sử dụng
 
Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị Đoàn giám sát quan tâm, kiến nghị, gỡ khó cho địa phương trong việc bổ sung thêm biên chế để vận hành tổ chức bộ máy trong khi dân số ngày một tăng và kinh tế phát triển.
 
Ông Minh nói: “Hiện nay số biên chế trên địa bàn tỉnh Bình Dương so với tỉnh, thành khác đứng hạng thứ 57/63, trong khi quy mô kinh tế đứng thứ 3 cả nước. Riêng trong miền Đông Nam bộ thấp nhất về số biên chế nên gây khó khăn cho tỉnh”.
 
Trước kiến nghị của tỉnh, Đoàn giám sát cho biết sẽ nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, khách quan đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả công tác thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới./.
 
Thiên Lý/VOV.VN-TP.HCM

Xem thêm Tài chính