BÀI 2. DOANH NGHIỆP & SỰ TRƯỜNG TỒN

  • www.doanhtri.net
  • 24-11-2022
  • 462 lượt xem
Có 2 loại hình doanh nghiệp là trách nhiệm vô hạn và trách nhiệm hữu hạn.
 
* Trách nhiệm vô hạn là các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh cá thể, có thể là một cửa hàng may đo thời trang trong phố nhỏ, có thể là một cửa hàng bán tạp hóa, bán trái cây hay một quán cà phê, một tiệm phở, một tiệm uốn tóc... Những doanh nghiệp này có thể đầu tư cửa hàng rất lớn, thiết kế cửa hàng rất sang chảnh nhưng họ đăng ký doanh nghiệp cá thể để khỏi quản lý phức tạp, không hệ thống sổ sách, không kế toán, chỉ là thuế khoán đăng ký ở địa phương. Họ rất thoải mái thích thì làm, không thích thì đi chơi, kinh doanh theo kiểu gia đình thuê vài nhân viên là em cháu hoặc người giúp việc ở quê ra...
 
 
Mặt nhược của loại hình này là khi cần vốn mở rộng rất khó vay vốn ngân hàng, thường là vay trong xã hội theo sự tin tưởng lẫn nhau. Trách nhiệm vô hạn là nếu có bị thua lỗ dẹp tiệm thì phải bán xe cộ, tài sản hoặc nhà riêng của mình để trả nợ. Nếu người chủ chẳng may ốm đau qua đời mà không có người thừa kế thì dẹp luôn cả cửa hàng đã từng có tiếng nhiều năm. Trong xã hội loại hình này ngày càng được mở rộng...
 
* Trách nhiệm hữu hạn áp dụng cho các công ty cổ phần và các công ty TNHH. Những người góp vốn vào công ty, các cổ đông nắm giữ cổ phần, những người nắm giữ cổ phiếu công ty, chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn góp của mình.
 
Nếu người đại diện trách nhiệm pháp lý công ty hoặc những người điều hành công ty vi phạm pháp luật bị bắt, bị kết án ở tù, hoặc bị chết do bệnh, tai nạn thì công ty vẫn tồn tại, vẫn hoạt động bình thường, vẫn bầu chủ tịch mới hoặc bổ nhiệm người điều hành mới để công ty tiếp tục kinh doanh sản xuất bình thường...
 
Trường hợp vì lý do gì đó mà công ty bắt buộc phải tuyên bố phá sản thì phải theo luật phá sản. Như thế tài sản của công ty sẽ được yêu cầu phát mãi, tổ chức đấu giá để thu hồi vốn cho công ty, các khoản phải thu, các bên có nợ công ty cũng sẽ được yêu cầu hoàn trả để công ty có tiền chi trả theo thứ tự ưu tiên:
 
- Lương và BHXH của những người  lao động
 
- Những khoản công nợ của người cung cấp vật tư, cung cấp dịch vụ, xây dựng...
 
- Nợ và lãi vay ngân hàng
 
- Trái phiếu và các khoản công nợ có hợp đồng và chứng từ hợp lệ
 
- Thuế và những khoản nợ ngân sách nhà nước
 
- ... cuối cùng mới đến phần chia theo vốn góp của cổ đông, người mua cổ phiếu.
 
* Hy vọng sau thời gian điều tra, xét xử, Vạn Thịnh Phát được hoạt động kinh doanh sản xuất bình thường.
 
Trường hợp bị tuyên bố ngưng hoạt động thì tài sản của Vạn Thịnh Phát nếu đấu giá phát mãi hy vọng có khả năng đủ để chi trả cho các khoản nợ trái phiếu cho trái chủ, hoàn trả tiền cổ phiếu cho các cổ đông.
 
 Luật Gia TS Nguyễn Thị Sơn
www.doanhtri.net

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe