BÀ TRIỆU (225 - 248)
Lời bàn: Nguyễn Đình Đại (BBV)

  • www.doanhtri.net
  • 02-09-2019
  • 1582 lượt xem

Nhà Hán sau khi chiếm được Nam Việt của Triệu Ai Vương liền đổi nước ta thành Giao Chỉ bộ gồm 9 quận trong đó có quận Giao Chỉ chiếm cả vùng Bắc bộ ngày nay (Cửu Chân và Nhật Nam thuộc bắc Trung bộ).

Các quận còn lại thuộc Quảng Đông, Quảng Tây và đảo Hải Nam.

Đứng đầu "bộ" là Thứ sử, đứng đầu "quận" là Thái thú.

Đến năm 202 theo đề nghị của Sĩ Nhiếp, nhà Đông Ngô mới đổi tên Giao Chỉ bộ thành Giao Châu để khỏi lẫn với Giao Chỉ quận.

Để có đủ lực đánh nhau với Tào Tháo (nước Ngụy) và Lưu Bị (nước Thục), Đông Ngô của Tôn Quyền bóc lột dân ta tàn ác nhất trong số các triều đại Trung Quốc thời Bắc thuộc đến nỗi sau này dân ta luôn lấy tên Ngô đặt cho mọi loại giặc dữ ở phương Bắc ("Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng" hay "Cáo Bình Ngô" v. v...).

Chúng hung dữ lắm thay!

Vậy mà:

“Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh,
Đạp làn sóng dữ,
Chém cá kình ở biển Đông,
Giải phóng non sông khỏi bọn giặc nước,
Chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho ai cả!”

Người nói câu này là một cô gái rất đẹp ở tuổi đôi mươi tên là Triệu Thị Trinh (225 - 248) được cả quân ta và quân địch tặng danh hiệu là “Nhụy Kiều Tướng Quân” tức vị tướng yêu kiều.

Thơ ca dân gian có câu:

“Ru con, con ngủ cho lành,
Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi.
Muốn coi lên núi mà coi,
Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng.”

Lũ trẻ cũng có bài đồng dao:

“Có bà Triệu tướng,
Vâng lệnh Trời ra.
Trị voi một ngà,
Dựng cờ mở nước.
Lệnh truyền sau trước,
Theo bước bà vương.”

Trai tráng cả nước nô nức tham gia hàng ngũ nghĩa quân.

Năm 245, Triệu Thị Trinh khởi nghĩa tại huyện Cửu Chân. Quân ta ồ ạt tấn công khắp các huyện thành khiến quân Ngô vỡ chạy hoặc bị tiêu diệt.

Bình định xong Cửu Chân, bà Triệu tiến đánh Giao Chỉ quận. Cả một vùng Giao Châu được giải phóng.

Thứ sử Giao Châu bị bắt và bị xử tử.

Giang Đông bị rúng động. Vua Ngô là Tôn Quyền phải sai cháu của Lục Tốn (danh tướng thời Tam Quốc) là Lục Dận sang đánh bà Triệu và làm thứ sử Giao Châu.

Lục Dận đã gây ô nhiễm tất cả các sông, suối ở nước ta bằng chất ô uế và xác động vật ("chiêu" này ngày nay còn có kẻ muốn dùng chăng?).

Thế giặc rất mạnh.

Quân ta bị thiếu lương thực và bị “ngộ độc thực phẩm” rất nhiều nên phải lui về núi Tùng ở Thanh Hóa sau hàng chục trận đánh.

Bị bao vây không thể thoát, bà Triệu đã rút gươm tự sát trên đỉnh núi Tùng để không bị rơi vào tay quân giặc vào buổi chiều ngày 21 tháng 2 năm 248 khi mới 23 tuổi...

Lời bàn: Nguyễn Đình Đại (BBV)

 

Xem thêm Văn Nghệ