'Nên đẩy mạnh học trực tuyến ở giai đoạn phổ thông'

  • www.doanhtri.net
  • 14-03-2019
  • 901 lượt xem

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, học trực tuyến giúp rút ngắn thời gian, khoảng cách so với nước phát triển, bổ sung nhân tài cho đất nước.

Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Kiêm tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ về công nghệ trong giáo dục gắn với một xã hội học tập.

- Theo ông, giáo dục trực tuyến, trí tuệ nhân tạo... tác động ra sao đến lĩnh vực giáo dục?

- Hội Khuyến học Việt Nam đang triển khai mô hình xã hội học tập, giúp người dân ai cũng có thể học tập suốt đời, ở bất cứ thời điểm nào họ thấy phù hợp. Do đó, Hội Khuyến học Việt Nam cũng đang động viên các địa phương đưa học tập vào trong công việc nhằm nâng cao chất lượng lao động và khôi phục việc học trong gia đình. Hai điều này muốn thực hiện thành công cần dựa vào những công nghệ mới, phương tiện thông minh để tham gia học trực tuyến.

Nói cách khác, triển vọng và tương lai của xã hội học tập phụ thuộc vào học trực tuyến và quyền tự do lựa chọn phương pháp học tập của mỗi người. Ví dụ, khi chúng ta có một chiếc điện thoại thông minh và kết nối Internet, mọi người dân đều có thể học bất kỳ khóa nào họ muốn. Vì vậy không thể tách việc học tập suốt đời ra khỏi học trực tuyến.

polyad

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong.

- Làm thế nào để học tập trực tuyến gắn liền với xây dựng xã hội học tập như ông kỳ vọng?

- Tôi đã theo dõi rất nhiều tài liệu và mô hình học tập trực tuyến ở Việt Nam, các mô hình cho học sinh, sinh viên, người lớn... trong đó, Hệ thống Giáo dục Học Mãi. Tôi mong rằng ngày càng có nhiều hơn nữa những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến này, giúp người dân, nhất là những người ở vùng khó khăn học trực tuyến tốt hơn.

Học trực tuyến đòi hỏi hai vấn đề, đó là có công nghệ học tập và nguồn tư liệu phong phú. Do đó trong học trực tuyến cần có một thư viện ảo chứa nguồn tài nguyên giáo dục mở và được phép truy cập để mọi người đều có thể tra cứu và tìm kiếm. Theo tôi, Hocmai.vn đang làm tốt điều này khi có hơn 3,5 triệu học sinh phổ thông theo học. Tôi kỳ vọng con số này có thể lên đến vài chục triệu học sinh, như vậy mới giải quyết được bài toán trong việc xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam

Đồng thời, tôi cũng cho rằng nên đẩy mạnh học trực tuyến cho lớp trẻ, đặc biệt là ở giai đoạn phổ thông. Lớp trẻ hiện nay có khả năng tiếp thu tốt hơn thế hệ trước rất nhiều. Việc học trực tuyến "đi tắt, đón đầu" sẽ rút ngắn thời gian và khoảng cách so với các nước phát triển, từ đó hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong tương lai.

- Ở khía cạnh quản lý giáo dục cần có điều chỉnh gì với hình thức học trực tuyến?

- Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cần có tầm nhìn xa về học tập trực tuyến và công nghệ để học sinh không bị tụt hậu. Ví dụ, chúng ta vẫn nói với nhau học sinh cần sử dụng máy tính thành thạo, biết khai thác thông tin trên mạng để tiếp cận tri thức, kỹ năng mới. Nhưng đến khi vào kỳ thi lại cấm không được mang bất cứ điện thoại hoặc máy móc gì, theo tôi đó là quan niệm lạc hậu.

Mỗi nhà quản lý giáo dục cần nhìn vào thực tế phát triển của xã hội. Một đề bài mà nếu học sinh không sử dụng máy và mạng Internet thì không làm được, đó mới gọi là khuyến khích học sinh tìm tòi và học tập trong thời đại mới.

- Ông đánh giá thế nào về mức độ sẵn sàng tiếp nhận cách học này của học sinh, sinh viên, người đi làm... hiện nay?

- Mọi người sẵn sàng học khi thấy điều đó mang lại quyền lợi cho họ, cụ thể là khởi nghiệp được, có việc làm tốt... Do đó học trực tuyến cần đánh vào nhu cầu của người học, phải làm sao để họ cảm thấy chỉ học trực tuyến mới thỏa mãn nhu cầu học tập của bản thân.

Tôi thấy rằng trong xu thế mới hiện nay, năng lực mới chính là yếu tố được coi trọng và định hướng nhất. Một người có thể không sở hữu bằng cấp đại học nhưng họ vẫn có đủ học vấn của trình độ đại học bằng cách tham gia học tập trực tuyến và trở thành nhà sáng tạo.

 

UNESCO từng đưa ra tuyên bố "Khoa học và Công nghệ là một quyền lực". Do đó, học tập phải chia sẻ và giúp cho người dân có được tri thức, kỹ năng giúp họ tự chủ trong việc lựa chọn cách sống, hình thức lao động phù hợp. Đó chính là nền tảng của dân chủ hóa xã hội học tập.

Thế Đan     vnexpress.net

 

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe