"Chen chân" vào chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào?

  • www.doanhtri.net
  • 14-01-2019
  • 798 lượt xem
(Chinhphu.vn) – Theo thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp (DN) làm công nghiệp hỗ trợ, nhưng chỉ có khoảng 300 DN tham gia được vào chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia. Vậy, các DN cần những điều kiện gì để có thể tham gia chuỗi cung ứng này?
Chất lượng sản phẩm vẫn là yêu cầu tiên quyết khi các doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

6 yêu cầu để DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Phạm Minh Thắng, Chuyên gia tư vấn cao cấp, Giám đốc Công ty Tư vấn Giải pháp Quản lý Năng suất Chất lượng (P&Q Solutions) cho biết, có 6 yêu cầu cơ bản để DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Yêu cầu đầu tiên, và tiên quyết, đó là chất lượng. Đây là rào cản đầu tiên mà DN phải vượt qua thì mới đi tiếp được”, ông Phạm Minh Thắng nói.

Yêu cầu thứ hai mà ông Thắng nhắc đến là vấn đề về giao hàng. Tất cả các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ đều cung cấp sản phẩm của mình cho nhà máy hoặc đơn vị phía sau. Nếu không cung ứng kịp thời thì, kế hoạch phân phối sẽ bị dừng lại.

“Đặc điểm chung hiện nay là đơn hàng ngày càng nhỏ. Trước đây, đơn hàng da giày nhận đến 30.000-40.000 đôi giày cùng loại, chỉ khác size, nhà máy giày có thể cân đối thời gian phù hợp, thời gian đầu năng suất thấp nhưng sau quen thì nâng cao năng suất, bù vào. Nhưng giờ đơn hàng chỉ có vài nghìn đôi, vài size. Nếu DN không đảm bảo năng suất từ đầu thì không đáp ứng nổi vì không có thời gian làm quen. Ta phải hiểu, quyền lực nằm ở khách hàng, đa dạng về chủng loại nhưng nhỏ về số lượng.

Bên cạnh đó, chu kỳ giao hàng ngày càng ngắn lại. Trước đây, có thể đặt hàng 1 tháng sau giao hàng vài tuần 1 lần nhưng giờ linh kiện chính vài tuần, linh kiện phụ vài ngày/tuần. Xưa năng lực không tốt thì sau bù, nhưng giờ ngày nào cũng phải giao hàng thì sản xuất phải ổn định”, ông Thắng lấy ví dụ.

Yêu cầu thứ ba là chi phí. DN nào được khách hàng lớn chọn có nghĩa là sản phẩm mức tối thiểu đã đạt chất lượng nhưng vẫn có DN sản xuất cũng sản phẩm đó nhưng với chi phí thấp hơn, giá cạnh tranh tốt hơn.

“Càng sản xuất nhiều thì khả năng phát triển của DN càng kém. Điều này dẫn đến yêu cầu thứ tư, đó là cách thức. DN phải linh hoạt thay đổi theo yêu cầu của khách hàng. Linh hoạt ở các nhà máy điều chuyển nhân sự, máy móc, kế hoạch sản xuất, mua nguyên vật liệu”, ông Thắng nói.

Yêu cầu thứ năm là công nghệ sản xuất và sản phẩm.

“Khách hàng yêu cầu mức chính xác của sản phẩm khác nhau nên DN phải có công nghệ để đáp ứng. Ví dụ, Honda vừa rồi chuyển từ phương thức sản xuất khung ống truyền thống sang dập tấm, tạo ra khung. Nhà cung ứng của Honda trước đầu tư cả hệ thống sản xuất, robot đều phải bỏ để chuyển sang máy dập công suất lớn. Điều này cho thấy, sản phẩm phụ thuộc vào khách hàng, nhưng DN phải có năng lực nhất định về công nghệ”, ông Thắng nói.

Yêu cầu cuối cùng mà ông Phạm Minh Thắng nhắc đến đó là dịch vụ, tương tác và giao dịch. Đây là kỹ năng mà tất cả DN đều cần phải có, không chỉ DN công nghiệp hỗ trợ.

Lấy ví dụ về việc cung cấp sản phẩm cho Samsung, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam từ trước đến giờ chủ yếu là làm cho xe máy, nhưng chuyển sang điện tử thì yêu cầu khác hẳn.

“Khi Samsung vào Việt Nam thì DN nào cũng “nhao đến”, vì cách làm của Samsung khác với Nhật Bản. Nhật Bản khi vào đây mở thị trường và họ nắm bắt thị trường, sản xuất xe máy chỉ bán ở nội địa vì cồng kềnh, còn sản phẩm điện tử thì xuất khẩu toàn cầu. Yêu cầu đối với DN Việt Nam lại khác đi nhiều hơn bởi những linh kiện điện tử nhập khẩu rất dễ, DN Việt muốn bán cho Samsung phải vừa rẻ, vừa tinh nhuệ và sản lượng lớn, đáp ứng mọi sự thay đổi của. Mà chúng ta đều biết, thiết bị điện tử thay đổi rất nhanh, không giới hạn. Đây là thách thức rất lớn cho DN Việt”, bà Trương Thị Chí Bình nói.

Vai trò "bà đỡ" của cơ quan quản lý Nhà nước

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khi nói về vai trò của Nhà nước đối với việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nền công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã khẳng định “các cơ quan quản lý Nhà nước phải thực hiện vai trò “bà đỡ” hiệu quả cho cộng đồng DN, nhất là đối với những DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”.

Bộ trưởng cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước có 4 việc phải làm, gồm: Hoàn thiện thể chế  đảm bảo khung khổ phát luật, chính sách phải đồng bộ, toàn diện; quan điểm chỉ đạo phải xuyên suốt, thống nhất, và kiên nhẫn trong các biện pháp tổ chức thực hiện.

“Phải có biện pháp kiểm tra, giám sát đôn đốc, tổ chức thực hiện vì các cơ chế chính sách của Chính phủ, Nhà nước nói chung sẽ không đi đến và không có hiệu quả nếu không kiểm tra, giám sát, thậm chí có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực xã hội.

Cuối cùng tôi muốn nói đến công tác tuyên truyền, tổ chức rất quan trọng, nhất là trong việc lồng ghép các khung khổ hội nhập và chương trình thực thi các khung khổ hội nhập của Việt Nam bởi sự hưởng ứng của cộng đồng DN nói riêng và của xã hội nói chung là vô cùng quan trọng đối với mọi chính sách của Nhà nước”, Bộ trưởng nói.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương xác định một số ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên cần tăng cường phát triển và phát triển đột biến của công nghiệp hỗ trợ nhằm mang đến động lực thúc đẩy sự phát triển chung của ngành công nghiệp.

“Một số ngành chúng tôi đã xác định rất rõ và được sự đồng ý của Chính phủ. Ví dụ như, ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô, công nghiệp dệt may, da giày, ngành năng lượng... Đây đều là những ngành Việt Nam có tiềm năng, lợi thế và có dung lượng thị trường. Tất nhiên, Việt Nam đang có những thách thức từ quá trình hội nhập nhưng phải biến những thách thức này trở thành cơ hội. Rõ ràng khi chúg ta mở cửa, đối mặt với cạnh tranh nhưng đây cũng chính là cơ hội để chúng ta tái cơ cấu lại các ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ”, Bộ trưởng Bộ Công Thương phân tích.

Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cần thiết phải hình thành những trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ (Trung tâm R&D) cho công nghiệp hỗ trợ. Trước mắt là tại 3 trung tâm kinh tế lớn của khu vực miền Bắc, Trung, Nam. Những trung tâm này không chỉ tập trung vào giới thiệu công nghệ và hỗ trợ điều kiện tiếp cận công nghệ thông qua hợp tác quốc tế và chính sách của Chính phủ nói chung mà còn hỗ trợ cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D), đây là chìa khóa thành công của nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới. Công tác nghiên cứu và phát triển bao gồm cả việc đầu tư, tiến hành và/hoặc mua bán các nghiên cứu, công nghệ mới phục vụ cho quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Máy móc, công nghệ là yếu tố quan trọng


Trao đổi về việc làm thế nào để trở thành đơn vị cung cấp linh kiện cấp 1 cho Samsung, ông Châu Bá Long, CEO Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, đơn vị cung cấp linh kiện cấp 1 cho Samsung chia sẻ: Công ty Minh Nguyên hiện đã sản xuất được 255 linh kiện cho các sản phẩm của Samsung như: Tủ lạnh, máy hút bụi, máy giặt, TV…

“Để làm được điều này, tôi cho rằng quan trọng nhất là máy móc, công nghệ. Do đó, Công ty chọn hệ thống máy công nghệ hiện đại tiêu chuẩn quốc tế từ các thương hiệu nối tiếng toàn cầu như: Woojin Plaimm, Yamazaki Mazak, Sodick, Okamoto, Proth... cho phép sản xuất các chi tiết khuôn với độ chính xác và phức tạp cao.

Bộ phận ép nhựa được trang bị hệ thống máy phun ép nhựa thủy lực hai tấm của Woojin Plaimm với lực ép từ 90-3.000 tấn, đáp ứng yêu cầu khắt khe về độ chính xác cao, công suất lớn, chu kỳ sản xuất ngắn, tiết kiệm nhiên liệu và thành phẩm chất lượng cao”, ông Châu Bá Long chia sẻ.

 

Phan Trang

Xem thêm Doanh nghiệp